“Lý do tôi phản đối gói viện trợ là vì trên thực tế nó sẽ làm tổn hại vị thế của Mỹ cả trong lẫn ngoài nước, và nó không đại diện cho một quan điểm chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa dân tộc. Dường như gói viện trợ là một phần của chủ nghĩa toàn cầu thiếu tập trung, điều mà rất nhiều người trong đảng Cộng hòa đã chấp nhận trong nhiều thập kỷ qua”, ông Hawley nói với hãng tin Fox News đêm 17/5.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley. Ảnh: The Hill

“Tôi nghĩ rằng 40 tỷ USD sẽ nhiều gấp 3 lần những gì mà toàn bộ các nước châu Âu đã đóng góp cộng lại, cho một cuộc chiến đang xảy ra tại đó. Tôi lo ngại điều này sẽ tiếp tục cho phép châu Âu được ‘ăn bám’”, ông Hawley nói thêm.

Theo Thượng nghị sĩ Hawley, nước Mỹ cần tập trung vào mối đe dọa tới từ những người nhập cư bất hợp pháp, hơn là “đổ hàng tỷ USD vào một cuộc chiến và làm nợ quốc gia của Mỹ tăng lên”.

Theo Fox News, ông Hawley không phải là nghị sĩ Cộng hòa duy nhất công khai phản đối gói viện trợ quân sự 40 tỷ USD cho chính quyền Ukraine. Trước đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul hôm 12/5 đã chặn dự luật cho phép thông qua gói viện trợ với lý do “không thể cứu giúp Ukraine bằng việc hủy hoại nền kinh tế Mỹ”. 

“Cần phải có một cơ quan liên bang giám sát quá trình viện trợ cho Ukraine. Tôi không cho phép thông qua gói viện trợ này một cách nhanh chóng, mà không có một điều gì đó chịu trách nhiệm về mặt tài chính trong gói viện trợ. Chúng ta sẽ phải vay số tiền đó từ Trung Quốc để gửi tới Ukraine. Với khoản nợ 30.000 tỷ USD, Mỹ không đủ khả năng trở thành ‘cảnh sát’ của cả thế giới”, ông Paul khi đó nói.

Kiev tuyên bố chiến tranh kéo dài

“Cuộc chiến với Nga đang bước vào giai đoạn kéo dài, khi binh sĩ của họ sẽ cố giành kiểm soát hoàn toàn miền đông và nam Ukraine. Họ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự kéo dài”, hãng tin Al Jazeera dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói với những người đồng cấp thuộc nhiều quốc gia ở châu Âu và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 17/5.

Theo ông Reznikov, các binh sĩ Nga đang xây dựng nhiều công sự ở hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson nhằm “chuyển sang thế phòng thủ nếu cần thiết”.

“Những nỗ lực chính của Điện Kremlin hiện tập trung vào việc ‘vây hãm và đánh bại’ các cánh quân Ukraine ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk, tạo ra và duy trì một hành lang trên bộ từ Nga tới Crưm cũng như hoàn thành việc chiếm đóng miền nam Ukraine. Do vậy, tôi kêu gọi các nước đồng minh phương Tây thúc đẩy hơn nữa việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, để việc giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của chúng tôi diễn ra càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói thêm.

Canada sắp cấm hàng nghìn quan chức Nga nhập cảnh

Theo Al Jazeera, Chính phủ Canada sắp tới sẽ cấm hơn 1.000 quan chức Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin cùng một số tướng lĩnh quân đội, nhập cảnh vào nước này.

“Động thái cấm những người ủng hộ Điện Kremlin, trong đó gồm cả những cá nhân chịu trách nhiệm cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhập cảnh vào Canada là một trong nhiều phương thức mà chúng tôi muốn Nga phải trả giá cho hành vi gây chiến”, Bộ trưởng Bộ Di trú, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marco Mendicino nói đêm 17/5.

Nga tố Ukraine triển khai vũ khí hạng nặng ở khu dân cư 

Thượng tướng Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga đêm 17/5 cho biết, các đơn vị quân đội Ukraine đã triển khai nhiều khí tài quân sự ở thành phố Slavyansk thuộc tỉnh Donetsk nhưng lại không tổ chức di tản người dân sinh sống ở đó tới nơi an toàn.

“Các đơn vị vũ trang Ukraine đã thiết lập một vị trí chiến đấu cùng kho đạn, cũng như cho triển khai nhiều vũ khí hạng nặng trong một công trình nằm ở phố Tướng Lozanovich thuộc Slavyansk, Donetsk. Người dân sinh sống gần đó không được đi sơ tán. Các tay súng Ukraine dù biết nơi đó còn người dân, nhưng họ vẫn khai hỏa nhằm buộc chúng tôi phải phản công, từ đó tạo cớ nói rằng binh sĩ Nga tấn công vào công trình dân sự”, ông Mizintsev nói với hãng tin TASS.

Hiện chính quyền Ukraine chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên.

Tuấn Trần