Công nghệ metaverse hay các sản phẩm tăng cường trải nghiệm người dùng sẽ là xu thế công nghệ trong tương lai. Đây là quan điểm được nhiều người tán đồng bởi metaverse giải quyết được bài toán kết nối con người theo một phương thức hoàn toàn mới. 

Bàn về hướng phát triển của metaverse tại Việt Nam, trong tọa đàm Leader Talk do VnExpress tổ chức mới đây, ông Đặng Khánh Hưng - Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab cho rằng, Việt Nam thường ở tình trạng đi sau so với thế giới về công nghệ. 

“Tuy nhiên, với metaverse và Blockchain, nói một cách khiêm tốn thì khoảng cách đó đã được thu nhỏ lại, còn nếu tự tin hơn thì có thể nói khoảng cách đó đã không còn”, ông Hưng nói. 

Người Việt có thể đi ngang hàng thế giới về các sản phẩm metaverse và blockchain.

Theo vị chuyên gia của FPT, điều này có thể được minh chứng qua sự thành công của tựa game Axie Infinity. Dù không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, việc hình thành nên startup này có công sức rất lớn của đội ngũ phát triển người Việt.

Thực tế, trong 1 năm qua, ở Việt Nam đã có hằng hà sa số các dự án Blockchain kêu gọi được vốn đầu tư cỡ vài triệu USD. Từ ví dụ của một số startup như Sipher, có thể thấy nhiều người Việt cũng đang dấn thân tìm hiểu thị trường Blockchain, dù từ các ngành khác chuyển sang và không phải người có nhiều kinh nghiệm trong giới công nghệ. 

Từ những ví dụ trên, ông Đặng Khánh Hưng cho rằng, nhìn chung khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam và thế giới giờ đây rất nhỏ, thậm chí có thể đi ngang hàng trong lĩnh vực này.

Theo ông Trần Huyền Dinh - thành viên BCH Hiệp hội Blockchain Việt Nam, trên thị trường hiện có 2 loại hình công ty metaverse. Đó là các nhà sản xuất phần cứng và những công ty phần mềm. 

Trong đó, nhà sản xuất phần cứng sẽ nắm vai trò chế tạo ra những chiếc kính thực tế ảo, các thiết bị hỗ trợ tương tác... Ví dụ như cánh tay robot giúp cảm nhận cảm giác cầm nắm. Với các công ty phần mềm, đó là những doanh nghiệp chuyên làm về AI, đồ họa, tạo hình nhân vật hay xây dựng không gian thế giới ảo. 

Vũ trụ ảo được dự đoán sẽ trở thành xu hướng công nghệ tiếp theo do là điểm hội tụ của các công nghệ nhằm tăng cường trải nghiệm người dùng.

Ông Dinh cho rằng, metaverse là một thị trường lớn mà các Việt Nam có nhiều lợi thế. Ngoài khả năng tiếp cận Internet cao, Việt Nam còn nằm trong những quốc gia có mức độ sở hữu tài sản số của người dân thuộc top đầu thế giới.

Theo vị chuyên gia đến từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam này, ưu điểm của người Việt khi tham gia vào thế giới metaverse là dân số trẻ, có niềm đam mê công nghệ. Người Việt cũng có nhiều công ty phần mềm có nền tảng tốt, đây là những lợi thế để người dân Việt Nam có thể tiếp cận nhiều hơn với metaverse trong tương lai.

Ông Đặng Khánh Hưng - Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab.

Chia sẻ về các thách thức mà các startup Việt phải vượt qua trong lĩnh vực này, ông Đặng Khánh Hưng cho rằng, những người đi đầu về Blockchain và metaverse sẽ phải tự khai phá dấn thân, bởi đây không phải là con đường đã có sẵn. 

Rào cản thứ hai là yếu tố tâm lý thị trường. Nhiều người tham gia vào thị trường crypto dưới dạng đầu cơ chứ không phải đầu tư. Việc người đầu tư coi khoản tiền họ bỏ ra như một canh bạc và muốn kiếm tiền nhanh sẽ gây áp lực cho những đội nhóm muốn làm sản phẩm đường dài. 

Sự phổ cập của metaverse cũng sẽ gây tác động đến các ngành chuyển đổi số khác. Tuy nhiên đó ko phải là sự triệt tiêu mà là quá trình cạnh tranh để tất cả cùng tốt lên. Trong cuộc đua đó, sản phẩm nào không đáp ứng được người dùng sẽ bị thị trường loại bỏ theo quy luật tiến hoá.

Trọng Đạt