MoMo - một trong những ứng dụng ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. 

Đáng chú ý, danh sách các nhà đầu tư mới của MoMo có Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital. Đây đều là các nhà đầu tư mạo hiểm lớn với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính và các công ty khởi nghiệp Internet. 

Trong đó, nổi bật nhất là Goodwater Capital - một tên tuổi lớn đến từ thung lũng Silicon (Mỹ). Công ty được thành lập vào năm 2014 này hiện đang quản lý một số quỹ đầu tư với số vốn tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD.

{keywords}
Mục tiêu của ví điện tử MoMo là muốn phát triển thành một siêu ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ảnh: Trọng Đạt

Hiện vẫn chưa rõ số tiền mà các công ty này đổ vào MoMo là bao nhiêu. Tuy vậy, số tiền này sẽ được sử dụng chủ yếu để đầu tư vào việc phát triển công nghệ mới như AI và Deep Learning và tạo thành một siêu ứng dụng (super app). Một phần vốn trong số đó được dùng để xây dựng các giải pháp chuyển đổi số và phát triển nên một hệ sinh thái số. 

Ở thời điểm hiện tại, MoMo được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Fintech thành công nhất tại Việt Nam. Công ty này hiện có khoảng 120.000 điểm chấp nhận thanh toán với hơn 23 triệu người sử dụng. 

Nhìn chung, Fintech được hiểu là công nghệ tài chính. Các công ty Fintech là những doanh nghiệp tích cực ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Sự nổi lên của những doanh nghiệp Fintech đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của hệ thống tài chính, ngân hàng truyền thống. 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông, từ năm 2015, các doanh nghiệp Fintech bắt đầu manh nha phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, số lượng các doanh nghiệp Fintech Việt vẫn còn rất khiêm tốn.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, ở giai đoạn 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, con số này với Malaysia 196 và Indonesia là 262. Ở Việt Nam, đến năm 2019, chúng ta mới có khoảng 154 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này (Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP HCM). 

Do vậy, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, việc một công ty Fintech Việt Nam gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới là tín hiệu tốt cho hoạt động của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech nói riêng.

Trọng Đạt