Theo báo Guardian, kế hoạch do Chính phủ Nhật công bố ngày 16/12 phản ánh sự lo ngại của Tokyo trước quân đội Trung Quốc “ngày càng quyết đoán hơn và tạo ra thách thức chiến lược lớn chưa từng thấy” cũng như Triều Tiên, nước láng giềng có vũ trang hạt nhân, đang không ngừng cải thiện các khả năng tên lửa đạn đạo.

Các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật. Ảnh: Japan Times

Nhật đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên 2% GDP trong vòng 5 năm tới, trái với cam kết duy trì chi tiêu ở mức 1% GDP sau Thế chiến hai. Tuy nhiên, động thái sẽ giúp Nhật đáp ứng yêu cầu của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trở thành nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.

Theo các thay đổi đề cập trong 3 tài liệu mới công bố, Nhật cũng sẽ thâu tóm các vũ khí mới có khả năng tấn công mục tiêu đối phương ở cách xa 1.000km, bằng tên lửa phóng từ biển.

Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Tokyo hoan nghênh việc Nhật tăng chi tiêu quân sự như “một cột mốc quan trọng” đối với quan hệ song phương và biến một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” thành hiện thực. Tuy nhiên, một số người chỉ trích coi động thái mới vi phạm hiến pháp vì hòa bình suốt 7 thập kỷ qua của đất nước mặt trời mọc.

Cũng theo báo Guardian, bất chấp sự đồng thuận của chính phủ Nhật về bản chất và mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đảng Dân chủ tự do cầm quyền vẫn bị chia rẽ về cách tài trợ cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.

Thủ tướng Fumio Kishida đã phản đối những lời kêu gọi sử dụng trái phiếu chính phủ để giúp tài trợ ngân sách quốc phòng, ước tính khoảng 43.000 tỷ Yên (320 tỷ USD) trong 5 năm tới. Thay vào đó, chính quyền của ông chọn cách tăng thuế, giải pháp đã vấp phải sự phản đối của đông đảo người dân như các cuộc thăm dò dư luận gần đây phản ánh.