Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tung ra nhiều đòn tấn công gay gắt chống lại các chính sách của Bắc Kinh và khởi xướng cuộc thương chiến bằng cách áp thuế lên 2/3 lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này đã làm thay đổi quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế, đến mức Tổng thống đắc cử Joe Biden kể cả có theo đuổi một tông giọng lịch sự hơn với Bắc Kinh cũng khó có thể giảm nhẹ tình hình.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trong khi đó, sự hoài nghi đối với Trung Quốc tăng mạnh ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đặc biệt là trong số những người đã giúp ông Biden tiến tới chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

"Tôi nghĩ rằng, những ngôn từ gây tranh cãi liên tiếp mà Tổng thống Trump sử dụng với Trung Quốc, về cơ bản, đã khiến bất kỳ chính quyền nào cũng không thể vào cuộc lập tức và thay đổi tiến trình", đài NPR dẫn lời Chad Bown, thành viên cấp cao Viện Kinh tế quốc tế Peterson.

Tổng thống đắc cử Joe Biden vốn là người ủng hộ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) dù sau đó bày tỏ nghi ngờ về thỏa thuận này. Ông cũng bỏ phiếu dọn đường cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ đó giúp quốc gia châu Á vươn dậy thành một cường quốc sản xuất.

Nhưng theo các chuyên gia, ông Trump đã đổi chiều thành công những tranh luận về Trung Quốc, bằng cách cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi chính sách rút ruột các ngành công nghiệp Mỹ, kể cả khi một số công ty đã chuyển về nước hoạt động.

Trong khi đó, những năm tháng mất việc làm và đóng cửa nhà máy đã khiến công chúng Mỹ có cái nhìn khó khăn hơn về thương mại, đặc biệt ở những bang then chốt như Pennsylvania, Ohio và Michigan, theo Arthur Dong, giáo sư Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown. "Tôi nghĩ ông Biden biết rõ điều đó", giáo sư Dong nhận định.

Ngay cả các nghiệp đoàn và các nhóm cánh tả vốn ủng hộ ông Joe Biden thắng cử cũng có chung quan điểm không ưa Trung Quốc. Do vậy, họ sẽ coi việc ông ủng hộ các thỏa thuận thương mại kiểu như NAFTA là một sự phản bội.

"Tôi không nghĩ đảng Dân chủ theo phong cách những năm 1990 phù hợp với cử tri hoặc nền kinh tế ngày nay, và tôi hy vọng Joe Biden bổ nhiệm những người xung quanh ông hiểu điều đó", NPR dẫn lời Waleed Shahid, phát ngôn viên của Justice Democrats - một nhóm tiến bộ có quan hệ với hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez của New York.

Áp lực đó có nghĩa là ông Biden khó đảo ngược được chính sách thuế quan của ông Trump chỉ bằng một nét bút, khiến ông không có nhiều lựa chọn để gây sức ép lên Bắc Kinh. Và chính trị gia đảng Dân chủ còn có thể bị hạn chế bởi những thay đổi trong tâm lý toàn cầu đối với Mỹ dưới thời chính quyền Trump.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden chỉ trích cách tiếp cận "làm một mình" của ông Trump đối với Trung Quốc, cho rằng Mỹ cần liên minh với châu Á và châu Âu để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc về thương mại.

"Nếu không đặt ra các quy tắc, chúng ta sẽ thấy mình cùng với Trung Quốc đặt ra các quy tắc, và đó là lý do chúng ta cần tổ chức thế giới để ngăn chặn Trung Quốc, ngăn chặn các hành vi tham nhũng đang diễn ra", ông Biden nói tại một cuộc tranh luận về đảng Dân chủ năm 2019.

Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm. Tham gia cùng các đồng minh để kiềm chế Bắc Kinh cũng từng là động lực cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Barack Obama - một thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc.

Tuy vậy, TPP đã bị Tổng thống Trump loại bỏ ngay sau khi ông nhậm chức, và ông Biden tuyên bố sẽ không ủng hộ hiệp đinh này nếu không có những cải thiện đáng kể về các biện pháp bảo vệ lao động và môi trường.

Trong khi đó, thế giới vẫn vận động mà không có Mỹ. Cuối tuần qua, Trung Quốc cùng 14 nước khác đã ký một hiệp định thương mại của riêng họ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Các nỗ lực của ông Biden nhằm dẫn dắt các nước khác trong kiềm chế Trung Quốc cũng gặp phải rào cản khác.

"Ông Trump đã đụng độ thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với một số nước thân thiện như Canada và Mexico, khiến các đồng minh then chốt tức giận, dẫn tới gây tổn hại cho Mỹ", Wendy Cutler - cựu Phó đại diện thương mại Mỹ - bình luận.

"Có rất nhiều nghi ngờ giữa các đồng minh và các đối tác của chúng ta với Mỹ, đặc biệt là về thương mại. Thẳng thắn mà nói, những nước đó đang ngày càng chán ngấy chúng ta".

Bên cạnh đó, còn có một rào cản lớn nữa là ưu tiên hàng đầu của ông Joe Biden sẽ là đưa nền kinh tế Mỹ hồi sinh về mốc trước suy thoái vì đại dịch Covid-19, tạm gác các vấn đề khác sang một bên. "Thương mại sẽ không phải là vấn đề trước hết và trung tâm với chính quyền này như đối với chính quyền Trump", vị chuyên gia bình luận thêm.

"Có rất nhiều vấn đề trong nước cần được quan tâm khẩn cấp."

Dù vậy, nhiều người vẫn mong đợi ông Joe Biden có thể thay đổi quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, ít nhất theo một cách. Sau gần 4 năm công kích Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng khi lên nắm quyền, ông Biden có thể thay đổi tông giọng với cường quốc châu Á.

Thanh Hảo

Ông Biden thú nhận trở ngại lớn ở Thượng viện Mỹ

Ông Biden thú nhận trở ngại lớn ở Thượng viện Mỹ

Trong một cuộc điện đàm riêng với những người ủng hộ, Tổng thống đắc cử Joe Biden thừa nhận ông sẽ đối mặt "các bức tường gạch thực sự" nếu đảng Cộng hòa của đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn giữ được đa số ghế ở Thượng viện Mỹ.

Hé lộ kế hoạch phút chót trừng phạt Trung Quốc của ông Trump

Hé lộ kế hoạch phút chót trừng phạt Trung Quốc của ông Trump

Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện một loạt chính sách cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong 10 tuần cuối cùng của nhiệm kỳ.