Theo báo Guardian, phát biểu trước các phóng viên sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) ở Astana, Kazakhstan hôm 14/10, ông Putin tiết lộ, tổng cộng có 222.000 lính dự bị sẽ được gọi nhập ngũ đợt này, giảm so với con số 300.000 người công bố lúc ban đầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Star Tribune

Trong số đó, 33.000 lính đã được phân bổ vào các đơn vị và 16.000 binh sĩ khác đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Reuters dẫn lời lãnh đạo Điện Kremlin nói, Moscow không có kế hoạch huy động thêm quân dự bị. Ông cũng cho biết “không cần thiết phải có các cuộc tấn công hàng loạt, mới vào Ukraine” và Nga không muốn hủy diệt nước láng giềng.

Ông Putin lặp lại quan điểm của Điện Kremlin rằng Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán, dù lưu ý quá trình đó sẽ yêu cầu hòa giải quốc tế nếu Ukraine chuẩn bị tham gia.

Giới quan sát đánh giá, các phát biểu mới dường như cho thấy giọng điệu của tổng thống Nga dịu đi đôi chút khi cuộc xung đột sắp tròn 8 tháng. 

Các cổ phiếu Phố Wall mở cửa với giá tăng cao hơn, khi các nhà đầu tư coi những diễn biến mới là dấu hiệu phản ánh căng thẳng địa chính trị đang lắng dịu.

Ukraine tuyên bố phá hủy nhiều khí tài Nga ở Luhansk

Quân đội Ukraine quả quyết đã phá hủy được một lượng đáng kể vũ khí Nga trong vụ phản kích nhắm vào một trung tâm đường sắt ở thị trấn Antratsyt thuộc khu vực Luhansk, miền đông đất nước.

Xác các xe tăng và xe bọc thép của Nga bị phá hủy tại thị trấn Lyman thuộc vùng Donetsk, miền đông Ukraine, nơi các lực lượng Kiev vừa tái giành lại quyền kiểm soát. Ảnh: Reuters

Nhà chức trách Ukraine quả quyết, các lực lượng Moscow đã hứng chịu tổn thất nặng nề ở Kherson, Zaporizhzhia và Donetsk.

Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói, Nga "đang tiếp tục tập trung vào các nỗ lực thực hiện kế hoạch tiếp cận biên giới hành chính của khu vực Donetsk”.

CNN cho biết không thể xác thực các thông tin trên.

Nga ngăn IMF ra tuyên bố chung về chiến sự 

Ủy ban điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố, các nước thành viên tổ chức hôm 14/10 đã đưa ra một lời kêu gọi gần như đồng thuận, yêu cầu Nga chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. IMF gọi cuộc xung đột là nhân tố riêng lẻ lớn nhất đang thúc đẩy lạm phát và khiến nền kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha  Nadia Calvino cho hay, Nga đã ngăn chặn việc ban hành một thông cáo chung trong cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế.

Tuấn Anh