Trong đoạn video được đăng trên kênh Telegram, ông Zelensky đã thừa nhận trách nhiệm của Kiev đối với nỗ lực tấn công cầu Crưm vào hôm 12/8.

Ông Zelensky nói rằng, quân đội Ukraine hàng ngày đáp trả các hành động của lực lượng vũ trang Nga, đồng thời ông lấy ví dụ về “những đám khói” để minh chứng cho vụ tấn công cầu Crưm.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã cố gắng tấn công cầu Crưm bằng 2 tên lửa S-200. Thống đốc Crưm Sergey Aksyonov cho biết, tại eo biển Kerch, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 2 tên lửa của Ukraine.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, nước này kịch liệt lên án và sẽ không bỏ qua chuyện Kiev tấn công cầu Crưm.

Kiev triển khai hệ thống phòng không trên Đảo Rắn

Avia.pro cho biết, sau khi lực lượng biên phòng Ukraine dựng cột mốc biên giới mới trên Đảo Rắn, thì các hệ thống phòng không của nước này cũng được triển khai tại đây.

Theo ghi nhận, hiện tại Ukraine đang triển khai ít nhất 2 hệ thống phòng không được thiết kế để bảo vệ hòn đảo này khỏi các cuộc không kích, hoặc để tiêu diệt tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) bay theo hướng bờ biển Ukraine.

Các chuyên gia của Avia.pro nhận định, rất có thể quân đội Ukraine sẽ thường xuyên hiện diện trên Đảo Rắn. Ngoài ra, có thông tin rằng các trạm radar thụ động của Ukraine cũng có thể được đặt trên Đảo Rắn, tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng về thông tin này.

Đảo Rắn, còn gọi là đảo Zmiinyi, có vị trí chiến lược vì nó nhìn ra các tuyến đường biển đến Odessa, cảng chính ở Biển Đen của Ukraine.

Trước chiến sự, khoảng 100 lính biên phòng Ukraine đồn trú trên Đảo Rắn. Nga kiểm soát hòn đảo vài ngày sau khi chiến sự bùng phát. Ngày 30/6/2022, Nga rút toàn bộ lực lượng trên Đảo Rắn, tuyên bố đây là “cử chỉ thiện chí” và lực lượng Ukraine sau đó tiếp quản hòn đảo này.