Ông Niinisto cho hay trong quá trình xin gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển vẫn tiếp tục đàm phán các hiệp ước quân sự song phương với Mỹ.

“Có khả năng Phần Lan sẽ gia nhập NATO trước Thụy Điển.  Chúng tôi có nên từ chối sự phê chuẩn của Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Việc đó nghe có vẻ điên rồ. Sẽ là một tình huống cực kỳ khó khăn, nếu chúng tôi nói không với Ankara", Tổng thống Niinisto chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đăng trên đài SVT của Thụy Điển hôm 19/3.

Hai nhà lãnh đạo Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt ở Ankara. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào ngày 17/3, ông Niinisto đã có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ và được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thông báo sẽ xúc tiến phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan. Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết chưa đồng thuận để Thụy Điển trở thành thành viên NATO, cho tới khi mâu thuẫn giữa hai nước được giải quyết.

Cả Phần Lan và Thụy Điển cùng đệ đơn gia nhập NATO, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Kể từ khi ra thông báo hồi tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã cam kết có những nỗ lực để trở thành thành viên cùng lúc. Song việc phê chuẩn cần có sự đồng thuận của 30 nước thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện vẫn chưa đồng ý. 

Một số chuyên gia chính sách an ninh nhận định, nếu quá trình xem xét kết nạp vào NATO kéo dài, Thụy Điển có thể rơi vào tình thế dễ bị tổn thương quân sự tại khu vực biển Baltic.

Nhưng ông Niinistö trấn an rằng Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn đang đàm phán riêng với Mỹ về các vấn đề an ninh nhằm đạt được một hiệp ước quân sự song phương tương tự những gì mà Na Uy đã ký kết với Washington trước đây.

“Tôi nghĩ đây một sự thay đổi lớn, thậm chí lớn hơn cả việc giành được tư cách thành viên NATO. Điều này có ý nghĩa rất lớn nếu tất cả chúng tôi (các nước Bắc Âu) đều đạt được một thỏa thuận quân sự trực tiếp với Mỹ”, ông Niinistö nói. 

Cuối cùng, ông Niinistö kết luận "việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan vẫn đang nằm trong tay của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary".