Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), kinh tế số dựa trên tài nguyên số đang từng bước thay thế kinh tế truyền thống dựa vào tài nguyên tự nhiên. CMCN 4.0 gắn với thời đại của những đột phá công nghệ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) và rộng hơn là công nghệ số.
Tài chính số được xem là “cốt lõi” của CMNC 4.0 với các sản phẩm, dịch vụ thuận tiện hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, cá biệt hóa cho từng cá nhân.
Với việc người dùng được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính mọi lúc, mọi nơi, tài chính số đóng vai trò động lực thúc đẩy cho nền kinh tế số.
Những năm gần đây, thanh toán điện tử tại Việt Nam liên tục tăng mạnh. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, nhiều loại hình tăng 100-200% mỗi năm.
Theo số liệu của NHNN, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh mẽ; qua các kênh Internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch.
Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Dù vậy, kinh tế - tài chính số của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với toàn cầu và mới chủ yếu “bùng nổ” trong phân khúc dịch vụ thanh toán số, trong khi các mảng dịch vụ khác vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Để đạt mục tiêu lớn hơn với một nền kinh tế số, xã hội số, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là một mục tiêu rất quan trọng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển hệ sinh thái tài chính số được coi là yếu tố tiên quyết.
Ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel, cho biết thanh toán số, tài chính số là mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái của tập đoàn Viettel. Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money đạt gần 1 tỷ giao dịch mỗi năm, gần 25 triệu khách hàng, Mobile Money đạt gần 4 triệu thuê bao.
Số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel hiện chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Người dùng có thể thực hiện giao dịch trong nhiều lĩnh vực, trong đó có là các dịch vụ thiết yếu của đời sống như thanh toán điện, nước, giáo dục, giao thông, viễn thông, các dịch vụ hành chính công.
Nằm trong chiến lược phát triển các điểm bán hàng “thông minh” trực tiếp, Viettel nhanh chóng triển khai mô hình Chợ 4.0 trên toàn quốc và thí điểm dự án “Xã chuyển đổi thanh toán số - Xã 4.0”.
Điều làm nên sự khác biệt của hai mô hình này một hệ sinh thái toàn diện, một trải nghiệm toàn trình với đa điểm chạm cho người dân: toàn bộ quá trình nạp – rút – thanh toán chuyển tiền được thực hiện trong phạm vi triển khai của các dự án, người dân không phải đi bất cứ đâu mà vẫn có thể tiếp xúc trực tiếp với các dịch vụ của Viettel Money.
Với chợ 4.0, người dân không phải mang theo ví hay tiền mặt mà chỉ cần dùng điện thoại di động để trả tiền bằng cách quét mã QR hoặc cú pháp. Tính tới nay, đã có hơn 600 Chợ 4.0, tiêu biểu là là chợ Cồn - Đà Nẵng, chợ Đại Từ - Thái Nguyên, chợ Tam Cờ - Tuyên Quang, chợ Cần Thơ, chợ Rồng - Nam Định. Hơn 30.000 tiểu thương trên khắp 63 tỉnh thành đã tham gia mô hình thanh toán không dùng tiền mặt.
Với mô hình “Xã chuyển đổi thanh toán số - Xã 4.0”, người dân tại các địa bàn ngoài trung tâm được hướng dẫn trải nghiệm thanh toán không tiền mặt như nạp – rút tiền gần nhà, thanh toán tiền điện – nước, học phí, viễn thông, xăng dầu, mua bán hàng hóa và chuyển tiền thông qua Viettel Money.
Dự án bắt đầu thí điểm tại 11 xã, tiêu biểu là Xã Quảng Minh - Bắc Giang, Phúc Thành - Nghệ An, Hưng Long - Bình Phước, Đông Hưng - Cà Mau, xã Trực Cường - Nam Định..., đánh dấu bước đầu tạo nên hệ sinh thái tài chính số toàn diện tại các tỉnh, đặc biệt áp dụng công nghệ nhằm chuyển đổi số các dịch vụ công.
Cách mạng hóa nền kinh tế số, thay đổi những thói quen hành vi tiêu dùng của người dân không phải điều đơn giản. Trong thời gian tới, Viettel cũng đã có những kế hoạch nhằm phát triển hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số hơn nữa.
Cụ thể, chú trọng phát triển sản phẩm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thân thiện với mọi người dân, trở thành hệ sinh thái tài chính số toàn dân; triển khai mô hình chợ 4.0 và xã 4.0 trên nhiều tỉnh thành trên cả nước; hợp tác phát triển toàn diện với nhiều đối tác trong và ngoài nước, đa dạng hóa dịch vụ.