Học sinh đóng học phí online

CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) và CTCP Thương mại Điện tử Bảo Kim (Baokim) hôm 12/9 công bố hợp tác triển khai chiến dịch đóng học phí được thưởng thêm tiền. Theo đó, các sinh viên thuộc nhiều trường đi học/cao đẳng khắp toàn quốc được tặng mã khuyến mại trị giá 100.000 đồng (trừ trực tiếp vào giá trị của giao dịch thanh toán) khi sử dụng cổng thanh toán điện tử của Baokim để thanh toán tiền học phí bằng phương thức thanh toán qua thẻ Napas (ATM).

Đây là một hoạt động để 2 tổ chức này xây dựng thêm khách hàng cho tương lai nhưng cũng là một trong những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, nhằm thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo “Quyết định số 1813/QĐ-TTg”. 

Trên thực tế, Napas và Baokim đã đưa giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt vào hệ thống quản lý học sinh/sinh viên tại hơn 300 trường các cấp học khắp toàn quốc từ năm 2021.

Thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến tại Việt Nam.

Việc thưởng thêm tiền được đánh giá là sẽ khuyến khích thêm sinh viên thực hiện việc thanh toán các khoản học phí không dùng tiền mặt, thực hiện trực tuyến thay vì phải tới tận nơi đóng tiền trực tiếp theo cách truyền thống.

Việc đóng học phí trực tuyến giúp các trường hạn chế tình trạng quá tải mỗi dịp cao điểm đầu học kỳ. Nhà trường cũng có thể giảm bớt chi phí về hóa đơn giấy và tiết kiệm nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, việc quản lý học phí cũng được thực hiện chính xác, minh bạch, an toàn và nhanh chóng hơn. Nó góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh Napas, tham gia vào quá trình số hóa trong thanh toán trường học, còn có các giải pháp thanh toán hiện đại như thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua thẻ Visa, Master, JCB, thanh toán qua QR Code, thanh toán qua ví Momo, ví ViettelPay, ví ZaloPay và cả trả góp học phí qua thẻ tín dụng và qua công ty tài chính…

Tại Quảng Ngãi, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh  này cũng đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, thay vì đóng học phí trực tiếp tại trường, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm, thì từ năm học 2023 - 2024, các trường học trong tỉnh áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Việc này tạo sự minh bạch trong thu, chi tài chính của nhà trường, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành GD&ĐT.

Việc triển khai việc thu học phí không dùng tiền mặt đã tạo thuận tiện cho phụ huynh khi nộp các khoản chi phí học tập cho con. Thông qua tài khoản ngân hàng của trường, phụ huynh có thể nộp tiền bất kỳ lúc nào và không phải lo lắng khi con cầm tiền mặt đến trường.

Hồi cuối tháng 3, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngành GD&ĐT Đắk Lắk đặt ra mục tiêu giai đoạn 2023-2025 có 80% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí và các giao dịch khác. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn đạt 80%”.

Theo đó, phụ huynh không cần lập thêm tài khoản ngân hàng mới hay ví điện tử mà vẫn có thể thanh toán học phí cho con mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị như mobile, web với mọi hình thức hiện có.

Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm cụ thể hoá Đề án “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

Trước đó, tháng 6/2022, nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức không tiền mặt. 

Tại TP.HCM, đến nay, phần lớn các trường phổ thông, đã "số hóa" thanh toán học phí.

Thanh toán không dùng tiền ngày càng phổ biến

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến trong xã hội, từ hệ thống ngân hàng, các công tài chính, bán lẻ, sản xuất… cho tới người dân.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng.

Cũng theo NHNN, thanh toán bằng mã QR Code tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian gần đây. Đến thời điểm này, người dân ở bất cứ nơi đâu và chỉ thao tác một vài phút trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể dễ dàng nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí hay thanh toán mọi dịch vụ từ điện, nước, viễn thông…

Cho đến thời điểm này, TP.HCM là thành phố dẫn đầu thanh toán không tiền mặt trên cả nước.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TPHCM đã đạt 30%. Các cơ quan y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông... tại TP.HCM đều đã tiến hành thanh toán không tiền mặt.

Rất nhiều địa phương, ngành và tổ chức tham gia vào nỗ lực thanh toán không dùng tiền mặt.

Với ngành ngân hàng, theo NHNN, dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành.

Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... gần đây đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chip để xác thực, định danh khách hàng ở quầy giao dịch, tại trụ ATM...

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, NHNN đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu.

Bên cạnh đó, NHNN đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lí để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới. NHNN đang sửa thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Có thể thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong xã hội, với mọi thành phần từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn… Đây là động lực cho các sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.

Hồ Nhụy và nhóm PV, BTV