Các cử tri Pháp hôm 7/7 đã đi bỏ phiếu vòng 2 nhằm bầu chọn ra 577 nghị sĩ quốc hội. Theo hãng khảo sát Ipsos Talan, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu cuối tuần qua ước tính lên tới 67,1%, mức cao nhất kể từ năm 1997, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đối với một cuộc bầu cử có quan điểm chính trị phân cực.

bau cu Phap CNN.jpg
Đám đông tụ tập ở Quảng trường Cộng hòa tại thủ đô Paris sau bầu cử Quốc hội Pháp vòng 2 ngày 7/7. Ảnh: CNN

Các ước tính sau bỏ phiếu của Ipsos Talan và 3 tổ chức thăm dò ý kiến hàng đầu khác cũng cho thấy bất ngờ khi liên minh NFP gồm 5 đảng dự kiến sẽ giành được 177 – 192 ghế trong quốc hội, dẫn đầu tổng tuyển cử vòng 2. Tuy nhiên, liên minh cánh tả này dự kiến vẫn chưa thâu tóm đủ 289 ghế tối thiểu để đảm bảo nắm đa số tuyệt đối tại cơ quan lập pháp.

Liên minh trung dung Chung sức của Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến về thứ 2 trong bầu cử quốc hội vòng cuối, với 150 – 170 ghế. Đây được coi là kết quả vượt quá mong đợi sau khi họ hứng chịu thất bại nặng nề ở các cuộc bỏ phiếu vòng 1

Ngược lại, trái với kỳ vọng, đảng cực hữu RN lần này tụt xuống vị trí thứ 3 khi dự kiến chỉ đạt 138 – 145 ghế, dù đã giành thắng lợi vang dội ở vòng bầu cử đầu tiên.

Báo Guardian trích dẫn lời các nhà phân tích nhận định, việc không đảng nào chiếm đa số tại Quốc hội Pháp khóa mới sẽ báo trước một thời kỳ bất ổn kéo dài và bế tắc về chính sách ở nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực sử dụng đồng Euro.

Điện Elysee cho biết, ông Macron sẽ không phát biểu trước quốc dân sau bầu cử. Tổng thống sẽ phân tích kết quả bỏ phiếu trước khi thực hiện bất kỳ bước tiếp theo nào, đồng thời sẽ đợi quốc hội mới được thành lập để “đưa ra các quyết định cần thiết”. Tuyên bố từ văn phòng tổng thống lưu ý, ông “tôn trọng sự lựa chọn của người dân Pháp”.

Trong khi đó, Thủ tướng Gabriel Attal thông báo sẽ trình đơn xin từ chức lên Tổng thống Macron vào sáng 8/7. Ông Attal cũng tuyên bố sẽ “không bao giờ chấp nhận” sự thật là hàng triệu người dân ở Pháp đã bỏ phiếu cho “những phần tử cấp tiến”. Chính khách này đồng thời cho rằng, “sức mạnh của các giá trị” đã ngăn cản lực lượng cấp tiến giành được đa số tuyệt đối tại quốc hội.

Truyền thông Pháp đưa tin, Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo một đảng thành viên NFP đã kêu gọi Tổng thống Macron “chấp nhận thất bại” và để liên minh cánh tả đứng ra thành lập chính phủ mới.

'Canh bạc' đầy mạo hiểm của Tổng thống Pháp Macron

'Canh bạc' đầy mạo hiểm của Tổng thống Pháp Macron

Việc Tổng thống Emmanuel Macron bất ngờ giải tán Quốc hội Pháp và thông báo tổng tuyển cử sớm - ngay sau khi đảng của ông hứng thất bại nặng nề ở bầu cử nghị viện châu Âu, được coi là “canh bạc” mạo hiểm.