Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, chuyến thăm được công bố hôm nay (27/9), vài ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo về phía biển và giữa lúc có nhiều lo ngại rằng một vụ thử hạt nhân có thể xảy ra khi nỗ lực tiếp cận nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un của chính quyền Tổng thống Biden thất bại. 

Chuyến thăm khu DMZ của Phó Tổng thống Mỹ Harris đã được Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo xác nhận trong một cuộc gặp với nhà nữ lãnh đạo này tại Tokyo, Nhật Bản. Sau đó, một quan chức Mỹ cũng đưa ra xác nhận tương tự. 

Phó Tổng thống Mỹ hiện có mặt ở Nhật Bản để dự tang lễ cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Một quan chức Mỹ cho biết: "Gần 70 năm sau khi hiệp ước đình chiến liên Triều được ký kết, chuyến thăm này sẽ nhấn mạnh sức mạnh của liên minh giữa Seoul và Washington trước bất kỳ mối đe dọa nào do Triều Tiên đặt ra". Quan chức Mỹ này đề nghị giấu tên vì chuyến thăm của bà Harris chưa được công bố chính thức. 

Theo kế hoạch, bà Harris sẽ đi thăm khu DMZ, gặp gỡ các quân nhân, nhận thông báo tóm tắt từ các chỉ huy của Mỹ, phản ánh về sự hy sinh chung của các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc, tái khẳng định cam kết sắt đá của Mỹ với an ninh của Hàn Quốc. 

Thủ tướng Hàn Quốc nói: "Chuyến thăm khu DMZ và Seoul của bà Harris sẽ là minh chứng mang tính biểu tượng cho cam kết mạnh mẽ của Mỹ với an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên". 

Nhiều quan chức nước ngoài đã đến thăm khu phi quân sự phân chia hai miền của Bán đảo Triều Tiên. Một số cựu Tổng thống Mỹ và cả ông Biden (trước khi nhậm chức Tổng thống) đã tới thăm DMZ, song cựu Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm đầu tiên đã gặp ông Kim Jong Un tại DMZ khi hai bên có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 hồi tháng 6/2019. 

Khu phi quân sự trên Bán đảo Triều Tiên thường được mô tả là biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng trên thế giới và nó đã tồn tại kể từ khi cuộc chiến liên Triều năm 1950-1953 kết thúc bằng hiệp ước đình chiến chứ không phải hiệp ước hòa bình.