Đây là thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov chia sẻ với tờ Financial Times hôm 5/7. 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố lần đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga vào tháng Năm. Theo đó, Ukraine đã dùng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất để bắn tên lửa Kinzhal. 

Tiêm kích đa nhiệm MiG-31 của Nga mang theo tên lửa siêu thanh Kinzhal. Ảnh: Sputnik

Tuy nhiên, ông Reznikov cho biết, ông Lý Huy, đặc phái viên Trung Quốc phụ trách các vấn đề Á - Âu, người đến thăm Kiev vào giữa tháng Năm, đã hoài nghi về việc Kiev bắn hạ được tên lửa siêu thanh Kinzhal. 

“Tôi đã đề xuất rằng nếu có nghi ngờ, chúng tôi sẵn sàng cung cấp bằng chứng”, ông Reznikov nói thêm, ông Lý đã rời khỏi Ukraine mà chưa xem bằng chứng.

Quân đội Nga được cho đã sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal, và tên lửa đạn đạo Iskander để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine. 

Hồi tháng Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết số lượng tên lửa Kinzhal mà Kiev tuyên bố đã đánh chặn lớn hơn so với số lượng mà Nga thực sự đã bắn.

Hậu quả “thảm khốc” nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị phá hoại 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, nỗ lực tiềm tàng của Ukraine nhằm phá hoại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở vùng Zaporizhzhia có thể dẫn đến hậu quả "thảm khốc".

Hôm 5/7, ông Peskov cho biết tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ tháng 3/2022 vẫn đang “căng thẳng”.

“Thực sự, có mối đe dọa phá hoại lớn từ phía chính quyền Kiev; phá hoại có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”, hãng tin RT dẫn lời ông Peskov cảnh báo.

Theo ông Peskov, không thể loại trừ khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào nhà máy Zaporizhzhia vì giới lãnh đạo Ukraine “đã nhiều lần thể hiện sẵn sàng làm mọi chuyện” để đạt được mục tiêu.

“Tất cả các biện pháp đang được thực hiện để ngăn chặn mối đe dọa đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia”, ông Peskov nói thêm.

Người phát ngôn Điện Kremlin đã nhắc lại sự cố vỡ đập Kakhovka do Nga kiểm soát hồi đầu tháng Sáu. Theo Moscow, Kiev là thủ phạm làm vỡ con đập. Tuy nhiên, Ukraine đã lên tiếng phủ nhận, và đổ lỗi cho Nga

Gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã cáo buộc Nga muốn gây ra vụ "rò rỉ phóng xạ" tại nhà máy.