Theo báo Guardian, trong các cuộc gặp gần đây với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Denys Shmyhal ở Kiev, ông Pavel khuyến cáo, Kiev hiện không còn yếu tố bất ngờ từng giúp họ thực hiện phản kích thành công vào thành phố miền đông Kharkiv và khu vực miền nam Kherson hồi năm ngoái.

Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo ở khu vực tiền tuyến gần thị trấn Soledar thuộc vùng Donetsk. Ảnh: Reuters

Theo ông Pavel, Kiev đã thừa nhận vẫn còn những khoảng trống về khả năng của các lực lượng vũ trang Ukraine trong việc xúc tiến chiến dịch phản kích thành công.

Tổng thống Séc tiết lộ, ông Zelensky đã đề nghị ông và người đồng cấp Slovakia Zuzana Čaputová giúp trang bị vũ khí cho 2 lữ đoàn cơ giới của Ukraine trước cuộc phản công được mong đợi từ lâu. “Rõ ràng, họ vẫn có cảm giác rằng mình không có đủ mọi thứ để bắt đầu chiến dịch thành công”, ông Pavel nhận định trong một cuộc phỏng vấn khi đến Anh dự lễ đăng quang của Vua Charles III.

Lãnh đạo chính phủ Séc nhấn mạnh, Ukraine chắc chắn sẽ phải đối mặt với "những tổn thất khủng khiếp" bất kể lực lượng của họ mạnh đến đâu và họ không thể để cuộc tấn công thất bại. “Bởi vì chiến dịch đòi hỏi rất khắt khe về mặt trang thiết bị cho nhân sự, hậu cần đạn dược, chu cấp nhiên liệu, nên chỉ có một cơ hội trong năm nay và họ cần phải thành công”, ông Pavel giải thích.

Kiev chưa lên tiếng phản hồi trước các phát biểu của tổng thống Séc.

Henry Kissinger dự báo về tình hình xung đột Nga - Ukraine

Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh tin tức CBS hôm 7/5, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bày tỏ, cuộc xung đột ở Ukraine có thể đang tiến đến thời điểm bước ngoặt và các cuộc đàm phán hòa bình do Trung Quốc làm trung gian có thể bắt đầu vào cuối năm nay.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: The Times

Theo đài RT, với việc công bố “Lập trường về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” hồi tháng 2, Bắc Kinh đã thể hiện mong muốn trở thành trung gian hòa giải tiềm năng giữa Moscow - Kiev. Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không tán thành kế hoạch hòa bình 12 điểm này của Trung Quốc, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả một số điểm trong đó “phù hợp” với quan điểm của Moscow.

Tổng thống Ukraine Zelensky hoan nghênh một số điểm trong đề xuất của Bắc Kinh, nhưng khẳng định Kiev sẽ không thỏa hiệp với Moscow dưới bất kỳ hình thức nào. Việc ông Zelensky từ chối đối thoại với chính quyền Putin chỉ là một trong số nhiều trở ngại mà Trung Quốc hoặc bất kỳ bên trung gian tiềm năng nào khác phải đối mặt khi đứng ra dàn xếp hòa đàm giữa hai nước láng giềng.

Ông Kissinger năm ngoái từng khiến Ukraine nổi giận khi gợi ý nước này nên chấp nhận quay trở lại “tình trạng trước xung đột” hoặc từ bỏ yêu cầu chủ quyền lãnh thổ đối với Crưm, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014, cũng như trao quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk, vì hòa bình. Kể từ đó, cựu ngoại trưởng 99 tuổi của Mỹ đề xuất những vùng lãnh thổ trên trở thành cơ sở đàm phán sau khi hai bên ngừng bắn và Nga rút quân.