Những câu thơ được "xuất bản" trên đá

Một ngày đầu thu 2024, tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Lan Hương từ Sài Gòn đi Vũng Tàu để thăm nữ sĩ Vũ Thanh Hoa, nhân dịp kỷ niệm 31 năm chúng tôi cùng đoạt giải trong cuộc thi văn chương Tác phẩm Tuổi Xanh do báo Tiền Phong và trường viết văn Nguyễn Du tổ chức. Nhưng bất ngờ hơn cả là khi Vũ Thanh Hoa dẫn chúng tôi đến tham quan Phúc Gia Viên - một công viên đặc biệt nhất Việt Nam, nơi những câu đối và câu thơ của tác giả Phạm Bá Nhơn được xuất bản trên một loại “sách” vô cùng độc đáo - đó là những khối đá nghệ thuật.

Đi qua cung đường nhỏ, chúng tôi bước vào một khu vườn rộng lớn, nơi cây cối đứng nghiêm trang, nửa như chở che nửa như ngầm khoe những tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật với các câu thơ, câu đối ý nghĩa. Những khối đá phong phú dáng hình, không chỉ đơn thuần là loại vật liệu bền vững trường tồn với gió mưa và thời gian mà còn mang trên mình lời văn, dòng thơ có sức sống và trọng lượng hơn chính bản thân chúng. 

z5728357269201_d28787c718e6c01ca12df964ff0e7d54.jpg
Phúc Gia Viên là nơi cho các văn nhân, nghệ sĩ đến chiêm nghiệm, tìm về những giây phút lắng đọng và sâu sắc nhất trong lòng mình.

Chúng tôi tận mắt thấy thơ và câu đối xuất bản trên đá, vững chãi, uy nghi nhưng không kém phần mềm mại, uốn lượn phóng khoáng trong từng nét chữ bay bổng. Từng câu thơ, từng câu đối thâm sâu được điêu khắc lên đá, vững bền sức sống với thời gian, trở thành chứng nhân của những cảm xúc bất diệt. Phúc Gia Viên chính là nơi điêu khắc tâm hồn một thi nhân.

Mỗi khối đá, dù lớn hay nhỏ, đều mang trong mình những vần điệu tinh tế, như lời thì thầm của thiên nhiên được lưu giữ mãi mãi. Một thế giới vừa cổ kính vừa lạ lẫm, nơi kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật điêu khắc tạo nên không gian độc đáo.

Du khách đến đây sẽ được thưởng ngoạn những tác phẩm đầy tâm huyết, cảm nhận được cái hồn của người nghệ nhân đã dồn hết tinh hoa vào từng nét chạm khắc để mỗi bài thơ, câu đối trở thành một phần của di sản văn hóa sống động giữa lòng thiên nhiên. Mỗi người nhẹ nhàng vuốt ve những dòng thạch văn, đọc từng chữ và cảm nhận ý tứ sâu sắc mà tác giả gửi gắm. 

Tác phẩm điêu khắc thơ được xác nhận Kỷ lục Việt Nam

Sau nhiều năm suy nghĩ và chuẩn bị, tác giả Phạm Bá Nhơn đã xây dựng công viên Phúc Gia Viên, nơi trưng bày bộ sưu tập đá granite khắc các câu đối và thơ về đạo làm người, trích từ tác phẩm Câu đối toàn thư do chính ông sáng tác.

Công trình được chính thức trao tặng bằng Kỷ lục Việt Nam vào ngày 6/8/2024, sau khi xác lập kỷ lục vào tháng 5/2024.

z5728358078678_f62156b692d4bd1f6efd50de1ea6b511.jpg
Tác giả Phạm Bá Nhơn và cuốn sách "Câu đối toàn thư".

Phúc Gia Viên có tổng diện tích gần 10.000m², tọa lạc bên sườn đồi tại địa chỉ 476 đường Lê Hồng Phong, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Công trình do tác giả Phạm Bá Nhơn lên ý tưởng, quy hoạch và thiết kế thi công. Đây là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông cổ kính và phương Tây hiện đại, được xây dựng với định hướng trở thành một công viên giáo dục, dành cho người dân và du khách đến tham quan. 

Khuôn viên Phúc Gia Viên bao gồm 3 ngôi nhà thiết kế theo kiểu dáng cung đình, với phần mái ngọc lợp bằng gạch men cắt nhỏ, tạo vẻ đẹp thẩm mỹ độc đáo. Xung quanh công viên là tường rào xây bằng đá kiên cố, lồng ghép 32 tảng đá khắc các cặp câu đối theo kiểu chữ thư pháp với nét bay như chắp cánh. Những dòng chữ được sơn thếp nhũ vàng trên đá ốp granite, tạo nên sự uy nghi.

Tác giả Phạm Bá Nhơn cho biết, sở dĩ ông xuất bản tập Câu đối toàn thư dày tới 400 trang, bìa cứng trang trọng, là vì xưa nay trong dân gian có nhiều câu đối, thậm chí có những câu rất hay mà chẳng ai biết tên tác giả. Bên cạnh đó, chưa thấy có cuốn sách nào chuyên về câu đối được xuất bản. 

z5728356787008_ed87945f4d6140cd5301fac9e2cf9683.jpg
Tác giả Phạm Bá Nhơn luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Như vậy, Câu đối toàn thư cũng thuộc hàng sách hiếm. Những câu đối với giá trị giáo dục cao, chắc hẳn sẽ hữu ích cho bạn đọc và tác giả hy vọng rằng cuốn sách sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ông Phạm Bá Nhơn chia sẻ thêm, việc biên soạn sách và điêu khắc câu đối lên khối đá nghệ thuật không chỉ là đam mê cá nhân mà còn là trách nhiệm của người yêu văn hóa dân tộc. Ông tin rằng, những câu đối với ý nghĩa sâu sắc và sự tinh tế trong cách gieo vần sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, đóng góp vào việc giữ gìn và truyền bá bản sắc văn hóa Việt Nam.

Câu đối toàn thư cũng như tác phẩm nối dài của nó - công viên Phúc Gia Viên với bộ sưu tập điêu khắc câu đối trên đá không chỉ là lời hay ý đẹp để chiêm nghiệm, mà còn là một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, một tác phẩm tinh thần mà ông Phạm Bá Nhơn đã cẩn trọng sáng tạo, lưu giữ dưới hình thức độc đáo.