Trong hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên năm 2023, vấn đề quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ được các bạn trẻ quan tâm đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ. 

Chia sẻ với thanh niên về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chiến lược phát triển thanh niên 2020 - 2030 đề ra 11 nhóm chỉ tiêu rất quan trọng. Trong đó, có chỉ tiêu đến năm 2030, có 15% thanh niên tham gia quản lý trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị đối thoại. Ảnh: VGP

Thời gian qua, có nhiều cấp uỷ chính quyền, bộ, ban, ngành, địa phương làm rất tốt công tác cán bộ trẻ và đạt 10% cán bộ trẻ tham gia cấp uỷ tại các địa phương và bộ ngành. Bên cạnh đó, 7% cán bộ trẻ tham gia lãnh đạo quản lý từ cấp phòng, cấp sở và tương đương trở lên. Như vậy, tỉ lệ này so với mục tiêu đề ra còn khoảng cách khá xa.

Ngoài ra, về chỉ tiêu rất quan trọng là thu hút và trọng dụng người tài như các nhà khoa học trẻ, sinh viên xuất sắc, chúng ta mới chỉ đạt 25% trong mục tiêu đặt ra, thực tiễn còn nhiều hạn chế.

Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, phải đảm bảo tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp uỷ các cấp trước mắt là 10% và phấn đấu đến năm 2030 là 15% tham gia lãnh đạo quản lý ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội.

"Chúng tôi mong muốn cấp uỷ chính quyền tạo môi trường chính trị thật tốt để các bạn trẻ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thành mục tiêu này trong các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cấp cơ sở", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ về Nghị định 140 nhưng chưa thể bao phủ hết, hiện mới chỉ có trọng tâm, trọng điểm là thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học trẻ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, còn nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao khác. 

Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện sớm Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và xây dựng một số Nghị định có liên quan để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện toàn diện, đầy đủ Chiến lược Phát triển thanh niên đến năm 2030.

Nói về 3 yếu tố "thân, tâm và trí" mà thanh niên cần tu dưỡng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sống phải có khát vọng, phải có mục đích, phải có lý tưởng thì mỗi ngày mới sẽ tràn đầy năng lượng. Còn nếu không có thì không biết thức dậy để làm gì, bắt đầu từ đâu. 

"Phải có tâm sáng, làm gì cũng nghĩ đến đất nước, đến Tổ quốc, đến dân tộc, đến nhân dân, chứ đừng làm gì, chưa làm gì đã nghĩ đến lợi ích cá nhân của mình, người thân của mình, thì sẽ không làm được gì hết. Phải có một trái tim lửa, phải quyết liệt. Điều đó phù hợp với thanh niên, tiên phong, gương mẫu, đi đầu, không ngại thách thức, không ngại rủi ro.", Bộ trưởng nhắn nhủ.

Bộ trưởng dẫn lại cuốn "My vision", tầm nhìn thay đổi quốc gia của ông Vua Dubai, một tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - trong đó có câu "Ở Châu Phi, mỗi một sáng thức dậy, con linh dương vươn mình nghĩ rằng nó phải chạy nhanh nhất có thể, nhanh hơn cả con sư tử chạy nhanh nhất, không thì nó sẽ bị ăn thịt. Ngược lại, con sư tử cũng vươn mình đứng dậy nghĩ mình phải chạy nhanh nhất, chạy nhanh hơn con linh dương chạy nhanh nhất, không mình chết đói. Nói thế để tất cả chúng ta phải luôn luôn cố gắng, luôn luôn tiên phong, luôn luôn đi đầu.

Ông ấy cũng có nói, nếu chúng ta có leo lên đỉnh Everest hoặc leo lên Mặt trăng mà chúng ta về nhì thì chắc không ai nhớ đến chúng ta cả. Thế nên thanh niên chúng ta luôn luôn phải lấy nhiệt huyết, tinh thần của thanh niên dẫn đầu, luôn phải tiên phong, luôn phải là số một".

Một ban nhạc Hàn Quốc đóng góp gấp 20 lần nhà máy

Những sản phẩm văn hóa của Việt Nam vẫn chưa đủ sức mạnh để khẳng định trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, văn hóa trong nước đang chịu sự thách thức bởi sự xâm nhập của nhiều sản phẩm xuyên quốc gia. Một nữ nghệ sĩ mong muốn các lãnh đạo quan tâm những chính sách, chiến lược cụ thể với từng giai đoạn để phát triển những sản phẩm văn hóa của Việt Nam.

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang đi sau, phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, nhiều ngành được xác định là lĩnh vực cơ bản nhưng trong thời gian dài vẫn chưa được phát huy một cách mạnh mẽ.

Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa đang tham mưu cho Chính phủ trong tổng kết Quyết định 175 về chiến lược văn hóa và sẽ ban hành chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa. "Nếu chúng ta không đi tắt, đón đầu, không nỗ lực thì sẽ mất đi thị phần lớn trong phát triển", Bộ trưởng VHTT&DL nói.

Ông dẫn chứng Hàn Quốc - đất nước có điều kiện tương đồng về văn hóa, có nhiều điểm gần giống với Việt Nam nhưng họ rất thành công trong công nghiệp văn hóa, khi chỉ một ban nhạc đóng góp gấp 20 lần một nhà máy.

Ông cho biết ngành công nghiệp văn hóa đang được cơ cấu lại theo hướng trọng tập trung, đúng trọng tâm, trọng điểm.