Phát biểu trước các phóng viên hôm 28/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay: "Chúng tôi hiện nâng các đánh giá của mình về nguy cơ lây lan và nguy cơ ảnh hưởng của Covid-19 ở mức độ toàn cầu lên rất cao".
Các nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của những người đi qua một cửa khẩu biên giới giữa Iran và Iraq. Ảnh: NYT |
BBC dẫn lời tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chuyên trách các tình huống khẩn cấp y tế của WHO giải thích, "nguy cơ toàn cầu rất cao" là mức cảnh báo cao nhất mà tổ chức có thể công bố vào thời điểm hiện tại. Song, theo quan chức này, tuyên bố đại dịch hiện không thích hợp khi thế giới vẫn có khả năng kiểm soát được mầm bệnh.
Tính đến hết ngày 28/2, dịch Covid-19 đã tấn công 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên trên thế giới, lây nhiễm cho ít nhất 84.132 người và cướp đi sinh mạng của 2.876 trường hợp, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục. Song, toàn cầu cũng chứng kiến gần 37.000 bệnh nhân được chữa khỏi sau thời gian điều trị tích cực.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai trên thế giới với gần 2.400 ca dương tính với virus corona. Chỉ trong ngày 28/2, nước này ghi nhận thêm 571 trường hợp nhiễm bệnh, mức tăng cao nhất trong một ngày và cao hơn cả ở Trung Quốc (335 ca nhiễm mới).
Yonhap dẫn thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Hàn Quốc (KCDC) cho hay, khoảng 42% số ca dương tính với Covid-19 ở nước này có liên quan đến chi nhánh của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố miền nam Daegu. Để ngăn chặn mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, nhà chức trách địa phương đã yêu cầu Tân Thiên Địa tạm đóng cửa mọi cơ sở và ngưng các hoạt động trên toàn quốc, đồng thời bắt đầu tiến hành xét nghiệm virus đối với toàn bộ 210.000 thành viên giáo phái. Tỉnh Bắc Gyeongg lân cận Daegu đang truy tìm gần 3.000 tín đồ Tân Thiên Địa để phục vụ công tác kiểm dịch.
Các quan chức y tế ở Singapore ngày 28/2 ghi nhận thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp dương tính virus ở nước này lên 98 người. Hai bệnh nhân mới gần đây không đi tới Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng có tiếp xúc gần với các ca bệnh được xác nhận trước đó.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật thông báo, thêm 2 hành khách trên du thuyền Mỹ Diamond Princess đang cách ly ở cảng Yokohama thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trên du thuyền vì dịch lên 6 người. Một trong hai trường hợp mới tử vong này là một nam giới người Anh. Theo kênh Sky News, đây là công dân Anh đầu tiên chết vì virus corona.
Như vậy, tổng cộng đã có 705 hành khách và nhân viên trên du thuyền Diamond Princess được xác nhận dương tính với Covid-19. Một cố vấn cấp cao cho chính phủ Nhật mới đây thú nhận thiếu sót trong khâu cách ly có thể khiến virus lây lan nhanh trên du thuyền chở hơn 3.700 người này.
Tính đến sáng ngày 29/2, nhà chức trách Nhật đang điều trị cách ly tổng cộng 226 ca nhiễm virus corona chủng mới lây nhiễm nội địa với 5 người đã thiệt mạng. Hokkaido, hòn đảo phía bắc Nhật, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 28/2 sau khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên ở địa phương liên quan đến dịch Covid-19.
Trong 24 giờ qua, Đan Mạch, Estonia, Lithuania, Hà Lan và Nigeria đã báo cáo những ca nhiễm virus đầu tiên, tất cả đều liên quan đến Italia, một trong những ổ dịch lớn bên ngoài Trung Quốc.
Tại Iran, Quốc hội nước này đã quyết định tạm ngưng các phiên họp thường kì cho đến khi có thông báo mới. Động thái diễn ra sau khi ít nhất 7 quan chức cấp cao được xác định dương tính với Covid-19, bao gồm cả Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề phụ nữ và gia đình cũng như lãnh đạo Ủy ban An ninh và Quan hệ đối ngoại của Quốc hội.
Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời ông Mohammad Ali Vakili, một nhà lập pháp Iran cho biết, ít nhất 30 nghị sĩ đã được xét nghiệm virus corona và 4 người trong số đó đã cho kết quả dương tính. Theo số liệu công bố chính thức, Iran hiện có 388 trường hợp mắc Covid-19 và 34 người đã tử vong.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 28/2 tuyên bố, Washington đã đề nghị hỗ trợ Iran dập dịch Covid-19 nhưng hoài nghi về việc Tehran có sẵn sàng chia sẻ thông tin hay không. Các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi sự lây lan của virus trên toàn cầu và khả năng ứng phó dịch của chính phủ các nước như Iran và Ấn Độ.
Hai quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, giới chức Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh cũng như Bộ An ninh Nội địa của nước này đã thảo luận về khả năng viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để đẩy mạnh sản xuất các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang y tế, găng tay và trang phục bảo hộ nhằm phục vụ công tác ứng phó dịch Covid-19.
Mặc dù Tổng thống Donald Trump ngày 26/2 quả quyết, mối đe dọa từ virus corona chủng mới với Mỹ "vẫn rất thấp", phe Dân chủ đã chỉ trích chính quyền của ông không có phản ứng phù hợp để ngăn chặn dịch. Mỹ hiện ghi nhận 60 ca dương tính với Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử vong vì bệnh.
Tình hình dịch phức tạp khiến các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu do lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Các thị trường chứng khoán đã phải trải qua một tuần tồi tệ nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 trong bối cảnh Covid-19 làm gián đoạn hoạt động đi lại và các chuỗi cung ứng trên thế giới.
Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) ước tính, dịch Covid-19 có thể khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại tới 1.100 tỉ USD do năng suất lao động sụt giảm, sản xuất đình trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thương mại và đầu tư giảm và ngành du lịch điêu đứng.
Tuấn Anh