- Bên cạnh vị thế chính trị, sức mạnh kinh tế và quân sự, nước Mỹ vẫn thể hiện vị thế số 1 thế giới của mình thông qua sự chi phối tài chính toàn cầu. Và trong lĩnh vực tài chính, Mỹ luôn quy tụ những bộ óc siêu việt nhất thế giới. Ở chốn đụng đâu cũng thấy thiên tài đó, dường như những người Do Thái vẫn có ảnh hưởng to lớn, mang tính dẫn dắt toàn cầu.
Những con người làm nên dấu ấn
Vài tháng gần đây, giới tài chính thế giới từ Mỹ sang châu Âu tới châu Á ngóng chờ từng lời nói, câu chữ phát đi từ người đàn bà gốc Do Thái, Janet Yellen, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Thế giới đang đợi xem bà Yellen sẽ đưa ra quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ nước Mỹ như thế nào.
Bà Yellen được đánh giá là một nhà kinh tế có bộ óc siêu việt. Bà nhận được sự ngưỡng mộ và đánh giá cao bởi hầu hết các chuyên gia ở phố Wall, những người tiền nhiệm như Alan Greenspan hay một số chủ nhân của giải Nobel kinh tế.
Ngay từ khi còn là chủ tịch của Fed chi nhánh San Francisco, bà Yellen đã được hàng chục thượng nghị sĩ khối Dân chủ họp kín và ký vào bức thư ủng hộ và thúc giục tổng thống Obama đề cử bà vào vị trí hiện nay. Theo họ, bà là người có một cái đầu lạnh và thông minh, kinh nghiệm dày dạn.
Sự xuất sắc của bà Yellen không chỉ nằm ở kiến thức sâu sắc về kinh tế mà còn là cách diễn giải sự phức tạp trong lĩnh vực tài chính một cách đơn giản và rõ ràng. Bên cạnh đó, còn là sự mềm dẻo, uyển chuyển, khả năng nói chuyện, thuyết phục công chúng, thái độ đúng đắn và cái tâm của một người quản lý vì người lao động.
Trong một danh sách các nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến kinh tế thế giới vừa mới được Bloomberg công bố, bà Yellen là cái tên đứng ở vị trí đầu tiên cho dù mới giữ cương vị người đứng đầu Fed trong gần 2 năm qua.
Người tiền nhiệm của bà Yellen là ông Ben Bernanke cũng là người Do Thái. Ông Bernanke gặp khá nhiều khó khăn trong việc giải quyết thất nghiệp. Tuy nhiên, GS. Bernanke là người đã nỗ lực vực dậy kinh tế Mỹ khỏi khủng hoảng tài chính 2008, mà theo Tổng thống Obama, ông đã làm xuất sắc công việc của mình.
Trước đó, một người đàn ông Do Thái khác là Alan Greenspan cũng đã 17 năm liền được 4 đời Tổng thống Mỹ tín nhiệm làm chủ tịch Fed, vị trí nắm quyền sinh sát lớn nhất trong giới tài chính Mỹ và thống trị lĩnh vực tài chính tiền tệ toàn cầu. Alan Greenspan là người giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng trong nhiều năm.
Chưa tính thời gian, về số lượng, trong 15 đời chủ tịch Fed, đã có tới 11 người gốc Do Thái, một con số đủ cho thấy, sự áp và ảnh hưởng của họ ở NHTW có tầm ảnh hưởng về tài chính mạnh nhất thế giới.
Những ‘ông trùm’ toàn cầu
Không chỉ ở vị trí lãnh đạo, trong đời sống kinh doanh cũng như nghiên cứu khoa học, người Do Thái cũng đạt được rất nhiều thành tích đáng nể. Số người Do Thái giành được giải Nobel ước tính khoảng 160 người thuộc tất cả các lĩnh vực, chiếm hơn 20% số giải thưởng của toàn thế giới, cho dù dân số chỉ chiếm khoảng 0,2%.
Rothschild, nữ hoàng mỹ phẩm Estee Lauder, ông trùm tài chính George Soros, Michael Bloomberg… là những cái tên khi nói đến đã thấy sức ảnh hưởng tới nền kinh tế và tài chính thế giới. Họ đều có nguồn gốc Do Thái.
Tính xuyên suốt lịch sử cho đến nay, Rothschild là gia tộc kinh doanh giàu có nhất mọi thời đại với khối tài sản có thể lên tới nhiều trăm tỷ trải khắp trên thế giới. Rothschild là một gia tộc Do thái có nguồn gốc từ Frankfurt.
Họ đã tạo nên đế chế tài chính NH tại châu Âu bắt đầu từ cuối thế kỷ 18, khởi đầu bằng việc trao đổi tiền tệ giữa các nước thuộc châu Âu. Thời kỳ đầu thể kỷ 19, gia đình nhà Rothschild từng thâu tóm toàn bộ thị trường trái phiếu của chính phủ Anh.
Hai cựu chủ tịch World Bank, Paul Wolfowitz và James Wolfensohn là người Do Thái cũng có ảnh hưởng lớn tới tài chính các nước đang phát triển.
Trong hơn một thế kỷ qua, có khoảng 40% chủ nhân giải Nobel kinh tế là người Do Thái với những tên tuổi lừng lẫy như: Paul Samuelson (1970), Milton Friedman (1976) và Paul Krugman (2008)…
Ông trùm tài chính George Soros thuộc tốp đầu các tỷ phú nước Mỹ đã từng gây ra sóng gió khủng hoảng tài chính ở châu Á hồi 1997-1998. Trong khi Michael Bloomberg cũng có trong tay nhiều tỷ USD và là thị trưởng thành phố New York trong cả thập kỷ đồng thời là ông chủ kênh truyền hình Bloomberg nổi tiếng trong giới kinh tế. Còn ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson có tài sản lên tới hàng chục tỷ USD.
Người Do Thái hiện đang sống ở nhiều nơi trên khắp thế giới, trong đó một phần không nhỏ đang ở Mỹ. Dù là thiểu số tại Mỹ nhưng họ lại thuộc nhóm thành công nhất, chiếm khoảng 50% doanh nhân giàu có nhất tại Mỹ. Họ nắm giữ một phần không nhỏ trong nền kinh tế tài chính Mỹ, tới mức người Mỹ có câu nói “Tiền nước Mỹ nằm trong túi người Do Thái”.
Sự thành công của người Do Thái trên nhiều lĩnh vực trong đó có kinh tế, tài chính có lẽ là nhờ vào phương châm sống coi trọng trí tuệ, giáo dục. Theo họ, tài sản có thể bị mất, có thể bị tước đoạt, nhưng tri thức và trí tuệ thì mãi mãi không mất đi đâu được. Họ coi trọng việc giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng tìm cách cho con học hành. Ngoài ra họ chú trọng truyền đạt cho nhau các kinh nghiệm làm ăn, không bao giờ giấu nghề.
V. Minh