- "Không phải thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hôm nay thì ngày mai, bà quét rác hay ông xích lô đã là người Lào, người Campuchia đâu. Chúng ta sẽ vượt qua được thách thức", ông Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổng thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, trao đổi với PV. VietNamNet về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Từng lo lắng và đều vượt qua
- Thưa ông, trong ASEAN, năng lực cạnh tranh của ta đang bị đánh giá là kém hơn Thái Lan, Indonesia, Singapore,... Nhìn ra ngoài đường bây giờ, ở Việt Nam đã thấy tràn ngập mỹ phẩm Thái Lan, quần áo Myamar, Campuchia. Với tư cách là một người dân, ông cảm thấy thế nào về những lo ngại hàng Việt sẽ bị lấn át với hàng hoá ASEAN, khi Cộng đồng kinh tế AEC được thành lập?
Ông Nguyễn Cẩm Tú: Lo lắng trước cái mới là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi có cơ sở tin rằng, việc đó không xảy ra.
Bởi vì, chúng ta đã từng lo lắng như vậy khi chúng ta bắt đầu gia nhập ASEAN (1995), khi bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) năm 2001, hay khi gia nhập WTO năm 2007. Nhưng thực tế, chúng ta có gặp khó khăn song cái lợi chúng ta thu được nhiều hơn.
Ông Nguyễn Cẩm Tú |
Cách đây 20 năm, khi gia nhập ASEAN, trình độ phát triển bấy giờ của Việt Nam rất thấp. Ngày nay, chúng ta đã đạt trình độ ở nhiều lĩnh vực tương đương với các nước ASEAN-6. Thậm chí, so với từng nước riêng lẻ, có những lĩnh vực Việt Nam vượt trội hơn. Ví dụ, về thể chế kinh tế thị trường, ta trội hơn một số nước khác ngay trong ASEAN-6. Vấn đề của chúng ta là khâu thực hành. Đây là đánh giá của ASEAN về Việt Nam.
Thêm vào đó, may mắn là cam kết hội nhập ASEAN không phải là một lúc mà là một tiến trình hội nhập hàng chục năm, thách thức đến dần và chúng ta cố gắng tiệm tiến dần và thực tế, thích nghi được.
Vì vậy, tôi tin là doanh nghiệp Việt Nam sẽ thích nghi tốt trong AEC. Nếu như thời gian thực hiện cam kết trong FTA chỉ hạn chế trong vòng 3 năm, 5 năm,... thì AEC là hàng chục năm, cứ tiến dần trong thời gian rất dài.
- Thưa ông, AEC hướng tới xây dựng một thị trường chung với sự tự do lưu chuyển về hàng hoá, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động. Trong đó, không chỉ hàng hoá, điểm e ngại nhất là người lao động Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu hơn so với các nước bạn. Liệu thị trường lao động của Việt Nam có bị lao động các nước chiếm lĩnh?
Thời gian qua, chúng ta nói nhiều về tự do lưu chuyển lao động, nhưng thực ra, cam kết về lĩnh vực này trong khuôn khổ AEC hiện mới chỉ ở 8 lĩnh vực ngành nghề thôi, không phải tất cả. Đó là nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch với yêu cầu người lao động chất lượng cao. Đến 2025, AEC sẽ mở thêm các ngành nghề khác.
Như vậy, không phải gia nhập AEC hôm nay thì ngày mai, bà quét rác hay ông xích lô là người Lào, người Campuchia đâu.
Vậy thì, trong thời gian này, chúng ta phải chuẩn bị, từng kiến thức trình độ con người một phải chuẩn bị kỹ càng. Không những chúng ta chuẩn bị giữ vững thị trường lao động cho mình mà tiến tới, còn đi ra ngoài, sang nước người ta để làm việc. Do vậy, đừng vội vàng nghĩ rằng, chúng ta sẽ không trụ nổi trong AEC.
Điều kiện cần để Việt Nam phát triển vượt bậc
- Nhìn tổng thể về câu chuyện hội nhập, vừa qua có luồng ý kiến nói rằng, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các cam kết rất cao rồi, vậy, chúng ta vào Cộng đồng kinh tế AEC thì có ý nghĩa gì nữa không?
FTA và AEC đều là các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế nhưng có sự khác biệt lớn.
Một bên, FTA là những cam kết thương mại giữa các nước có tính chất "chốt" trong một lần, ở một số lĩnh vực nhất định và đôi khi những cam kết đó rất cao, theo những tiêu chuẩn rất cao.
AEC thì ngược lại, đó là một quá trình tiệm tiến hướng tới các mục tiêu chung và nếu xét từng cam kết một, có những cái không cao bằng FTA. Phạm vi những cam kết trong khuôn khổ AEC rộng khắp hầu hết các lĩnh vực. Điều nổi bật và khác biệt ở AEC chính là sự liên kết với nhau giữa các thành viên, tạo thành một thực thể cộng đồng chung thống nhất.
Hàng tiêu dùng Thái tràn vào Việt Nam |
Nói dân dã, FTA như một cuộc buôn bán giữa tôi và anh, cùng thoả thuận với nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, ký xong rồi, cứ thế cùng thực hiện.
Còn AEC, nghĩa là từ bây giờ, tôi với anh thống nhất với nhau về ở chung một nhà, chơi chung một sân rồi tìm cách cùng nhau phát triển lên.
Ở AEC, không thể bảo, tôi với anh chỉ hội nhập chân tay chứ không hội nhập cái đầu. Còn FTA, khi thoả thuận buôn bán với nhau, tôi và anh có khi chỉ mua bán cái áo, cái quần của nhau, chứ cái giầy thì không cần.
Vì vậy, chúng ta không thể so sánh AEC như một FTA.
Khi vào AEC, tức là chúng ta cùng với các nước thành viên khác trở thành một cộng đồng, một thực thể thống nhất nên bổ trợ cho nhau và do vậy, AEC sẽ đưa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta lên một tầm cao mới.
- Thưa ông, khi AEC được thành lập, ông có kỳ vọng thế nào về những con số tăng trưởng kinh tế hay thành tích xuất khẩu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2016?
Như tôi nói, đặc thù của AEC hơi khác một chút. Đây là một quá trình tiệm tiến.
Ví dụ, hiện nay, 31/12/2015, gọi là thành lập AEC, bản chất là ta hoàn thành lộ trình xây dựng AEC ở giai đoạn đầu. Lộ trình này được vạch ra từ năm 1995. Sau đó, ta còn có lộ trình AEC tiếp tới năm 2025 với nhiều giải pháp cho từng giai đoạn từng thời kỳ. Nó không phải là một thoả thuận thực hiện cam kết một lúc ngay lập tức như FTA. Do vậy, sẽ rất khó để nói rằng, GDP hay xuất khẩu tăng lên con số bao nhiêu nhờ AEC, bởi rất khó tách bạch tác động của hội nhập với các chính sách điều hành kinh tế nội bộ của Chính phủ.
Tuy nhiên, nói về tiềm lực đất nước, cả về thể chế, kinh tế, nguồn lực con người, về mặt xã hội, tôi tin là Việt Nam đủ khả năng để đáp ứng các thách thức trong AEC.
Dấu hỏi là sự cố gắng của chúng ta đến đâu?
Nếu chúng ta cố gắng tốt, tận dụng các cơ hội mang lại và khắc phục được những thách thức thì cũng giống như chúng ta đã làm được trước đây khi hội nhập, sẽ có kết quả tốt đẹp. Nếu chúng ta lơ là, không cố gắng thì sẽ không tận dụng được tiềm lực đã có hay những cơ hội mang lại thì chúng ta sẽ thua. Thắng - thua chính là ở sự cố gắng này.
Song, AEC là một điều kiện cần để chúng ta có sự phát triển vượt bậc trong những năm tới. Nhìn vào những gì đã làm được thời gian qua, như sức sống quốc gia vượt qua thử thách khủng hoảng kinh tế không thua kém nước nào, thì tôi tin rằng, 2016 là năm bắt đầu sự phát triển vượt bậc mới.
Phạm Huyền (thực hiện)