Khi Rex Tillerson tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ đưa ra "trọng điểm rõ ràng cho các vấn đề đối ngoại".

Ngoại trưởng Tillerson sẽ cần thể hiện điều này trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông, bắt đầu từ hôm nay (15/3), giữa lúc khu vực đang căng thẳng. Chương trình tên lửa Triều Tiên đang tiến triển nhanh hơn và tinh vi hơn, đe dọa Mỹ cùng hai đồng minh then chốt Nhật và Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc chao đảo vì bê bối chính trị khiến Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Ảnh: Reuters)

Ông Tillerson sẽ cần thuyết phục cả hai nước rằng, việc tiếp tục tận tâm với Mỹ sẽ nằm trong lợi ích tốt nhất của họ. Tuy nhiên, năng lực ngoại giao của tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp phải thử thách trong chặng cuối cùng của hành trình, khi ông là thành viên đầu tiên trong Nội các của Tổng thống Trump thăm Trung Quốc.

CNN nêu ra những thách thức mà Ngoại trưởng Tillerson phải đối mặt ở mỗi nước ông dừng chân:

Nhật

Vấn đề cấp bách nhất của tân Ngoại trưởng Mỹ ở Nhật Bản cũng như trên toàn khu vực là mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cho bắn thử một tên lửa đạn đạo khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida. Việc lựa chọn thời điểm phóng tên lửa khiến nhiều nhà phân tích tin đó là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Tokyo.

Tuần trước, khi Triều Tiên phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo, truyền thông nước này ngụ ý đó là một bài tập tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, nơi có khoảng 52.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân.

Ngoại trưởng Tillerson sẽ gặp Thủ tướng Abe cùng người đồng cấp Fumio Kishida. Nước chủ nhà muốn Mỹ tái cam kết Tokyo sẽ là đồng minh thân thiết nhất, tin cậy nhất của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, một đồng minh lớn khác của Mỹ, có thể tạo ra thử thách cho Tillerson trong bối cảnh ông đang tìm cách kiềm chế Triều Tiên.

Tháng 1 vừa qua, Đại sứ Nhật tại Seoul đã bị triệu hồi vì tranh cãi liên quan đến vấn đề nô lệ tình dục của quân đội Nhật trước và trong Thế chiến II. Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải tìm ra cách khuyến khích hai nước đồng minh giải quyết bất đồng để ba nước có thể tập trung vào vấn đề Triều Tiên.

Hàn Quốc

Thách thức chính của các quan chức Hàn Quốc khi ông Tillerson đến nước này là thuyết phục được người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ rằng mọi việc ở Seoul vẫn diễn ra như bình thường sau khi bà Park bị phế truất.

Tillerson sẽ gặp quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Ngoại trưởng Yun Byung-se.

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công du tháng trước, ông đã nói những gì người Hàn Quốc muốn nghe - rằng Washington cam kết sẽ phản ứng "át hẳn" trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên. Giờ đây, giới chức Hàn Quốc cũng muốn ông Tillerson đưa ra những thông điệp theo hướng này.

Bên cạnh đó, ông Tillerson đến Hàn Quốc giữa lúc Seoul than phiền đang bị Bắc Kinh trừng phạt về kinh tế vì đã đồng ý cho lắp đặt THAAD - hệ thống phòng thủ tên lửa mà Washington lập luận là cần thiết để chống lại đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.

Với việc bà Park đã rời khỏi chính trường, Tillerson muốn lãnh đạo mới của Hàn Quốc sẽ vinh danh thỏa thuận kể trên. Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử sớm để chọn tổng thống mới vào cuối tháng 5.

Các bộ phận đầu tiên của THAAD đã được chuyển tới Hàn Quốc từ tuần trước, và hệ thống phòng thủ trọn vẹn sẽ đi vào hoạt động đầy đủ sớm nhất vào tháng 7.

Trung Quốc

Ưu tiên đầu tiên của Tillerson trong các cuộc gặp dự kiến ở Bắc Kinh là nêu chi tiết cuộc gặp thượng đỉnh tại Florida giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 4. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được nhiều người đánh giá là quan trọng nhất thế giới.

Một vấn đề quan trọng nữa được đề cập sẽ là cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ đầu năm 2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và phóng thử hàng chục tên lửa đạn đạo, khiến căng thẳng trong khu vực tăng cao. Và chính quyền Trump muốn Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế người láng giềng.

Nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ đề cập tới hệ thống THAAD và các máy bay tấn công Đại bang Xám (Gray Eagle) ở Hàn Quốc. Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã tỏ rõ bất bình về cả hai vấn đề này.

Ngoại trưởng Tillerson có thể cũng sẽ nêu vấn đề Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Trong buổi chất vấn phê chuẩn tại Thượng viện, ông đã có ý kiến rằng Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Quốc có thể sẽ định tông cho cuộc gặp sắp tới của ông Trum và ông Tập.

Thanh Hảo