Nhiều quy định về thủ tục hành chính (TTHC) đã rõ nhưng các địa phương lại hiểu khác, thực hiện khác khiến doanh nghiệp (DN) lúng túng.
Đó là phản ánh của nhiều DN tại hội nghị liên quan đến TTHC do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29-9 ở TP.HCM.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay ngành này gặp khó trong việc nhập máy in. “Điều kiện để có được giấy phép nhập khẩu này là DN dệt may phải bổ sung ngành nghề kinh doanh trên giấy phép kinh doanh của công ty và người đứng đầu DN phải có chứng chỉ về ngành in. Quy định trên là không hợp lý và làm mất thời gian cho DN” - bà Mai nói.
Đại diện Công ty Vinamilk phản ánh về những bất hợp lý trong thủ tục thông báo chương trình khuyến mãi. “Chúng tôi có chương trình khuyến mãi toàn quốc, theo quy định DN phải gửi đến 63 tỉnh, thành. Một số tỉnh, thành triển khai tiếp nhận thông báo trực tuyến cho chúng tôi nhưng một số tỉnh, thành khác lại không chấp nhận. Việc này làm DN phát sinh thêm nhân sự để nộp trực tiếp. Chưa kể mỗi địa phương hướng dẫn mỗi khác, thiếu sự đồng bộ gây vướng mắc, mất thời gian, tốn thêm chi phí cho DN” - đại diện Vinamilk phản ánh.
Trả lời thắc mắc này của Vinamilk, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: “Theo quy định, DN được chọn ba phương thức nộp hồ sơ gồm nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện và gửi trực tuyến online. Không có điều khoản quy định nào bắt DN phải làm một trong ba phương thức trên. Vì vậy, Bộ sẽ có thông báo đến các sở Công Thương tỉnh, thành để tạo thuận lợi cho DN”.
Trường hợp Công ty Thức ăn chăn nuôi De Heus (Hà Lan) cũng tương tự. Đại diện De Heus cho hay đã có giấy chứng nhận đầu tư và đã được cấp giấy phép kinh doanh. Trớ trêu là thời gian qua công ty muốn điều chỉnh giấy phép kinh doanh, thêm một số ngành nghề nhưng lại vướng. Trong quá trình làm hồ sơ, chúng tôi đã đáp ứng đủ điều kiện. Bộ Công Thương đã có công văn chấp nhận đề nghị thay đổi ngành nghề của DN. Thế nhưng Ban Quản lý Các khu công nghiệp Bình Dương lại cấp giấy phép kinh doanh mới, chỉ bổ sung các ngành nghề trong quyền phân phối mà không cho phép công ty quyền được nhập khẩu và xuất khẩu.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho hay theo quy định, nếu đã có ý kiến Bộ thì địa phương sẽ làm giấy phép kinh doanh cho DN. DN đã có giấy chứng nhận đầu tư thì sẽ được cấp giấy phép kinh doanh mới bao gồm cả ba quyền là phân phối, nhập khẩu và xuất khẩu dựa theo giấy chứng nhận đầu tư.
Nói thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tỏ ra ngạc nhiên khi cho rằng đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng trên ở địa phương. Ông nhấn mạnh: “Các cơ quan chuyên trách của Bộ phải có văn bản hướng dẫn gửi ban quản lý khu công nghiệp ở các địa phương để thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN”.