Trang Ukrinform ngày 11/4 đưa tin, trong chuyến thăm chính thức Canada lần này, ông Shmyhal sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Toronto.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal. Ảnh: Ukrinform

Tại cuộc phỏng vấn với tờ Globe & Mail, ông Shmyhal cho biết, bản thân không cảm thấy lo ngại về việc ngân sách liên bang của Canada không phân bổ viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Quan chức này bày tỏ hy vọng, Ottawa sẽ có nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau cho Kiev.

“Hiện tại chúng tôi đang cần xe bọc thép hạng nặng. Và chúng tôi cần nhiều đạn dược hơn, gồm đạn cho lựu pháo và đạn cho xe tăng. Điều đó cực kỳ quan trọng đối với việc tổ chức phản công của chúng tôi”, ông Shmyhal nói.

Theo tờ Globe & Mail, các lực lượng Kiev dự kiến sẽ mở chiến dịch phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát các vùng đất ở phía đông và phía nam Ukraine từ tay quân Nga trong “những tuần hoặc tháng sắp tới”.

Nga cảnh báo hậu quả dùng đạn uranium nghèo ở Ukraine

Hãng thông tấn Tass dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 10/4 bày tỏ quan ngại về các phát biểu của Bộ Quốc phòng Anh một ngày trước đó về ảnh hưởng của việc sử dụng đạn uranium nghèo ở Ukraine. Theo nhà chức trách Anh, việc này nhiều khả năng tác động “nhỏ” đến sức khỏe của các quân nhân và môi trường.

Binh sĩ Ukraine đang kiểm tra đạn pháo 155mm gần khu vực tiền tuyến Bakhmut. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, bà Zakharova quả quyết: “Vương quốc Anh, bằng cách cung cấp vũ khí uranium nghèo cho Ukraine, muốn biến lãnh thổ của quốc gia Đông Âu thành một vùng đất bị thiêu rụi và hoang vắng. Sẽ không còn tiếng Nga, tiếng Ukraine ở đó, sẽ chỉ có sự im lặng giống như ở Pripyat và Chernobyl”.

Theo người phát ngôn, đạn uranium nghèo từng được sản xuất hàng loạt và sử dụng trong các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Ở mức độ lớn, các hoạt động với những loại đạn như vậy trong lực lượng NATO chủ yếu do quân nhân Italia thực hiện… Khu vực do binh lính Italia phụ trách ở Nam Tư bao gồm các vùng lãnh thổ có trên một nửa số vũ khí uranium nghèo đã được khai hỏa. Người dân Nam Tư là nạn nhân đầu tiên và tiếp đó là binh lính Italia”.

Bà Zakharova lưu ý, ngày càng nhiều người Italia kiện Bộ Quốc phòng vì cùng một lí do là mắc bệnh ung thư do phải xử lý đạn uranium nghèo.

Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie thông báo, London sẽ cung cấp cho Kiev đạn chứa uranium nghèo và tăng hiệu quả trong việc tiêu diệt các phương tiện bọc thép. Bộ Quốc phòng Anh mô tả uranium nghèo là một thành phần tiêu chuẩn của đạn xuyên giáp, đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ.

Bình luận về quyết định của nhà chức trách Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ buộc phải đáp trả tương ứng với thực tế rằng “phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.