Chiều nay (27/4), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023.
Dự lễ phát động có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2023, Tổng Liên đoàn lao động định hướng tổ chức các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” từ rất sớm (tháng 11/2022). Đến nay 100% liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương đã có kế hoạch triển khai thực hiện.
Nhiều đơn vị đã tổ chức lễ phát động tại cơ sở với những nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tiễn với một số trọng tâm hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - thể thao; biểu dương cán bộ công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm Công đoàn…
Lao động Việt Nam đảm nhiệm được những công việc phức tạp
Tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công nhân, người lao động là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất và giá trị tinh thần, làm giàu cho xã hội. Những năm qua, lực lượng lao động nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.
Hiện cả nước có trên 52 triệu người lao động, nhiều người trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế. Lao động Việt Nam từng bước đảm nhiệm được những công việc phức tạp mà trước đây phải cần tới chuyên gia nước ngoài. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; năng suất lao động được nâng lên.
Đội ngũ công nhân chiếm khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động, tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng lưu ý, bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số, tự động hóa, sử dụng người máy, trí tuệ nhân tạo... đang gia tăng sức ép về cắt giảm giờ làm, việc làm, tác động trực tiếp đến người lao động.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch lao động giữa các vùng, khu vực kinh tế đòi hỏi người lao động phải thích ứng nhanh, linh hoạt với những thay đổi này.
Ngoài ra một bộ phận người lao động, nhất là lao động phi chính thức chưa có việc làm bền vững; nhiều người bị mất việc, giảm giờ làm, nhất là trong 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại…
Lắng nghe, tích cực giải quyết khó khăn của công nhân
Khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, công nhân là một lực lượng xã hội to lớn với vai trò rất quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành cùng hành động để thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công nhân; luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh phải đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia; tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ theo Nghị quyết của Chính phủ.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển những công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất..
Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động.
Với tổ chức công đoàn, Thủ tướng đề nghị phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; phải sống cuộc sống của người lao động, nói tiếng nói của người lao động; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống của công nhân.