Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, yếu tố nền tảng và là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo từ sớm, từ xa với bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Tuy nhiên, việc cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn. Trong đó xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc vào cuối mùa khô năm 2023 và thiếu hụt xăng dầu tại một số địa bàn vào cuối năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được giao, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tuyệt đối không để thiếu điện, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.
Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch, Quảng Bình đến Phố Nối, Hưng Yên theo đúng quy định để có thể khởi công xây dựng dự án thành phần sớm nhất có thể; phấn đấu khởi công vào tháng 9. Trong quá trình thực hiện tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm…
Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.
Bộ cũng cần khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo, đôn đốc, giám sát EVN, TKV, PVN triển khai nhanh nhất dự án đầu tư xây dựng công trình điện.
EVN, TKV, PVN tăng cường công tác phối hợp, tổ chức thực hiện tốt hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, của nhân dân, khắc phục triệt để tình trạng cắt khúc, lợi ích cục bộ giữa đơn vị, doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng điện.
Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV thực hiện nghiêm chỉ đạo, trong đó chú trọng chuẩn bị sản xuất, dự báo phụ tải điện, dự báo thủy văn đối với hồ thủy điện; bảo đảm nhiên liệu than, khí, dầu cho phát điện; khắc phục nhanh nhất sự cố nguồn và lưới điện…
Về cung ứng xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN và cơ quan, đơn vị liên quan xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới, nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra cần chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước để điều hành giá, sử dụng Quỹ Bình ổn giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định.
Các lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.