Trong những ngày qua, trên các diễn đàn về ô tô có chia sẻ hình ảnh ghi lại một đoạn đường có cắm nhiều biển báo, trong đó có biển chỉ dẫn "Hướng xe ô tô quay đầu" và ngay sau đó là biển "Cấm ô tô quay đầu". Điều này dẫn đến những luống ý kiến khác nhau, trong đó không ít tài xế tỏ ra bối rối không biết đi thế nào cho đúng.

Ảnh chụp màn hình từ chia sẻ của tài khoản N.D.C trên diễn đàn Otofun.

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hình ảnh được chia sẻ nói trên được chụp ở đường Tố Hữu, đoạn qua phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), và những tấm biển như hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội là đúng ở địa điểm này.

Trước một lối mở cách ngã tư Trung Văn - Tố Hữu khoảng 150m, lực lượng chức năng đã cắm biển chỉ dẫn màu xanh với nội dung "Hướng xe ô tô quay đầu" kèm sơ đồ đường đi. Ngay sau biển báo này khoảng 15m, tiếp tục có một biển hình tròn với nội dung "Cấm ô tô quay đầu", phía bên trái đường cũng được bố trí một biển tương tự, gần điểm quay đầu xe.

Vị trí các điểm quay đầu trên đường Tố Hữu (ảnh: Google maps)

Trên thực tế, đoạn đường này có 2 điểm mở dải phân cách, trong đó lối mở thứ nhất nói trên chỉ cho phép xe máy được quay đầu. Ô tô muốn quay đầu di chuyển về phía Hà Đông buộc phải đi thêm khoảng 50m để đến điểm mở thứ hai. Hình ảnh trên biển chỉ dẫn "Hướng xe ô tô quay đầu" màu xanh đã thể hiện khá rõ điều này.

Trước lối mở tại đường Tố Hữu (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Trao đổi nhanh với VietNamNet, một cán bộ thuộc Phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết: "Điểm quay đầu nói trên mới được cơ quan quản lý đường cho mở ra cách đây vài tuần, hoạt động song song với điểm mở thứ hai sẵn có từ trước. Việc có thêm điểm mở mở và chỉ cho xe máy quay đầu là cần thiết, giúp phân tách xe máy và ô tô, tránh xung đột giao thông tại điểm quay đầu, qua đó giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này".

Điểm quay đầu này mới mở cách đây chưa lâu, có kích thước nhỏ và chỉ cho xe máy đi qua. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Về việc đặt biển "Hướng quay xe ô tô quay đầu", đồng chí CSGT này cho hay, đây là biển thuộc nhóm I.409 theo Quy chuẩn 41 (Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT về Báo hiệu đường bộ). Tác dụng của biển chỉ dẫn là "Hướng dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết nhằm giúp người tham gia giao thông trong việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn".

Còn biển "Cấm ô tô quay đầu" P.124b thuộc nhóm biển cấm, người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm mà biển đã báo. Biển báo này đặt ngay nơi quay đầu xe, thậm chí bố trí thêm một biển phía trái đường, gần điểm quay đầu như ở đường Tố Hữu là hợp lý. 

"Các biển nói trên không hề xung đột ý nghĩa với nhau. Người điều khiển ô tô cần đi đúng biển chỉ dẫn, quay đầu đúng vị trí cho phép để đảm bảo an toàn và tránh bị lực lượng chức năng xử phạt", vị CSGT này nêu quan điểm.

Ô tô đi trên đường Tố Hữu cần đi thêm khoảng 50m theo biển chỉ dẫn để quay đầu được an toàn, tránh bị CSGT xử phạt. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Việc các phương tiện ô tô quay đầu xe tại biển cấm quay đầu có thể bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Theo đó, hành vi quay đầu xe ô tô tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; quay đầu xe tại nơi đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển sẽ bị phạt tiền 800.000-1.000.000 đồng (theo điểm k, khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Trường hợp quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông còn bị phạt từ 2-3 triệu đồng (theo điểm đ, khoản 4, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), đồng thời bị tước GPLX 1-3 tháng.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào với nội dung trên? Xin để lại bình luận phía dưới bài viết. Mời bạn đọc gửi bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!