Giữa lo lắng về chiến tranh tiền tệ do bất ổn tài chính toàn cầu đang diễn ra thì việc Việt Nam ổn định tiền tệ, tăng giá trị tiền đồng được cho là nhân tố giúp thu hút đầu tư nước ngoài.

Bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc Citi Bank Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đã thành công trong việc thu hút khoảng 10 tỷ USD hàng năm từ các nhà đầu tư quốc tế. So sánh với các quốc gia láng giềng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn và chính sự điều hành của NHNN Việt Nam về lãi suất, ngoại tệ đóng góp một phần không nhỏ”.

Trong chuyến thăm đến Việt Nam mới đây, ông ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã đánh giá cao vai trò của NHNN Việt Nam cũng như Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong điều hành tiền tệ góp phần giảm lạm phát. Đây là điều vô cùng quan trọng đối với những cải cách trong ngành ngân hàng.

Tư duy và lộ trình ổn định

Giai đoạn 2011 trở về trước, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những yếu kém nội tại tích tụ của nền kinh tế đã khiến thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam đối mặt với nhiêu nguy cơ.

‘Nguy cơ đổ vỡ’ đã được nhắc đến như một sự cảnh báo cao nhất. Còn với vàng, tỷ giá và lãi suất, được miêu tả là “những con ngựa bất kham”. Đặc biệt, thanh khoản và tín dụng của hệ thống NH luôn trong trạng thái căng thẳng như ‘căn bệnh kinh niên khó chữa’

Lãnh đạo NHNN đã thừa nhận, những năm đầu của giai đoạn 2011-2015, thanh khoản của các NH rất yếu kém, cạn kiệt, nợ xấu cao nên nhiều NH nằm trong tình trạng đối mặt với nguy cơ đổ vỡ, kéo theo nguy cơ đổ vỡ cao của hệ thống. Điều này tác động tiêu cực tới kinh tế vĩ mô.

{keywords}

Chính vì thế, giai đoạn 5 năm qua của NHNN được miêu tả là một ‘nhiệm kỳ chống đổ vỡ”. Một chiến lược tái cơ cấu được thông qua, hàng loạt chính sách được thực thi mạnh tay đã khiến thị trường cảm thấy sốc và có không ít người phải chấp nhận trả giá.

Chỉ trong thời gian ngắn, lạm phát từ mức cao (18,13% năm 2011) được kiểm soát tốt và duy trì ở mức thấp; thị trường ngoại hối ổn định hơn; cân bằng vĩ mô được cải thiện; thị trường vàng hết “điên đảo”, tình trạng đô la hóa được chặn đứng và từng bước được đẩy lùi; dự trữ NH tăng mạnh; mặt bằng lãi suất nhanh chóng giảm mạnh và hiện được duy trì ở mức thấp…

Nếu như 2011, GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì đến 2015, GDP đạt 6,68% và lạm phát ở mức 0,63% - mức thấp nhất trong 14 năm trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định: “CSTT trong giai đoạn 2011-2015 là một thành công căn bản và chưa bao giờ Việt Nam có một chính sách thành công như vậy”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam từng nhận định, 3-4 năm qua tôi đã thấy có một sự thay đổi trong tư duy về tầm quan trọng của việc ổn định KTVM của tất cả các nhà hoạch định chính sách.: “Bên trong sự thành công của ổn định KTVM thì CSTT chính là nhân tố quan trọng góp phần đạt được những kết quả đó. CSTT thời gian vừa qua là đúng đắn, hiệu quả và đã đóng góp rất lớn vào ổn định KTVM”.

Ông.Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, CSTT trong 5 năm qua đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giữ xu hướng tăng dần qua các năm.

Đổi mới điều hành

Nói lại câu chuyện thực thi cơ chế tỷ giá mới đây, một chuyên gia ngân hàng nhớ lại, trước đây, mỗi lần có biến động tỷ giá, thị trường lại sôi sục khiến cho DN và cả nền kinh tế chấn động. Nhưng đầu năm nay, một cơ chế tỷ giá mới thì chứng kiến một trạng thái ngược lại: thị trường cứu nguội dần và dường như đầu cơ đã bị triệt tiêu.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, hệ thống ngân hàng trước đây được ví như những cầu thủ nghiệp dư, nay đã dần lên sân chơi chuyên nghiệp, nhờ cách điều điều hành đổi mới theo hướng kỹ trị mang lại hiệu quả ở các nước trên thế giới.

{keywords}
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

Với hàng loạt chính sách và thực thi mạnh mẽ, NHNN đã đưa một nền tiền tệ thiếu kỷ cương, tín dụng bùng nổ nhưng thiếu kiểm soát về với lộ trình ổn định. Đặc biệt là hiệu quả trong chấn chỉnh lại thị trường vàng, sáp nhập hàng loạt ngân hàng, mua lại một số ngân hàng với giá 0 đồng, không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, giảm mặt bằng lãi suất. Bên cạnh đó là việc ưu tiên, dòng vốn tín dụng được khơi thông, vừa tái cấu trúc ngành ngân hàng, vừa củng cố thanh khoản xử lý các ngân hàng yếu kém và xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm chấn chỉnh quản trị rủi ro, chấn chỉnh kỷ cương - kỷ luật trên thị trường tài chính...

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, năm 2015, chính sách tiền tệ và tỷ giá là hai yếu tố quan trọng góp phần vào những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô.

“Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế và không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt, chính sách tỷ giá của NHNN đã đi đúng hướng. Và một môi trường ổn định là nền tảng hỗ doanh nghiệp vừa và nhỏ và thu hút đầu tư tốt hơn”.

Một chính sách nói chung hay chính sách tiền tệ nói riêng luôn cần thời gian để đi vào thực tế. Hơn thế, những chính sách ‘dẹp loạn’ kiểu như vàng hay tái cơ cấu NH thường sẽ vô cùng chông gai khi thực thi.

Vì thế, một CSTT luôn đòi hỏi đáp ứng tính hai mặt tính thời sự (ngắn hạn) rất cao nhưng tính định hướng (trung dài hạn) cũng rất lớn. Do đó, việc bắt đầu triển khai trong thực tế một chính sách, một chủ trương bao giờ cũng khó khăn. Nhưng khi đã tạo lập được nền tảng sẽ có giá trị lâu dài.

Câu chuyện giá vàng đi xuống và thấp hơn cả giá thế giới từ đầu năm đến nay là một ví dụ hình dung về đều này.

Khi mới đưa ra chính sách quản lý thị trường này, đã có nhiều bình luận khác nhau thậm trí còn có nhiều ý kiến không ủng hộ. Thế nhưng đến nay, thị trường vàng đã bình ổn. Không còn tái diễn cảnh những cơn sốt vàng, đầu cơ làm giá, người dân nháo nhác đổ xô đi mua vàng; không còn sóng vàng tăng khiến đô la tăng…

Và điều quan trọng hơn, khi chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, được thị trường chấp nhận thì những hạn chế, khiếm khuyết của nó sẽ tiếp tục được điều chỉnh.

Với chính sách điều hành tỷ giá 3 năm qua cho thấy, vào đầu mỗi năm Thống đốc luôn đưa ra thông điệp về điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt và một mức điều chỉnh nếu có chỉ 2-3%. Khi thông điệp đó đã thực sự phát huy tác dụng, thị trường thực sự thấy và tin thì những hạn chế của nó – như DN sinh tâm lý ỷ lại, "phó mặc” rủi ro tỷ giá cho phía cơ quan điều hành chính sách; sự tích tụ và rất có thể phải có những điều chỉnh tỷ giá lớn trong tương lai; hay việc khó theo sát được diễn biến bất thường của thị trường ngoại hối toàn cầu... cần được giải quyết. Và một cách thức điều hành mới, phản ánh sát với thị trường hơn đã ra đời cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm

Hãng Roi-tơ phân tích: NHNN Việt Nam đã một lần cắt giảm mức bình quân lạm phát leo thang xuống mức thấp nhất được ghi nhận vào năm 2015; các can thiệp về mặt tiền tệ của NHNN đã giúp nền kinh tế chống đỡ được những cú sốc từ bên ngoài. Đồng tiền Việt Nam (VNĐ) hiện nay là một trong những đồng tiền ổn định nhất ở Nam Á, giảm khoảng 4,9% trong năm 2015 so với mức 2 con số ở những quốc gia khác.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank nói: “Tôi đánh giá tích cực cách thức mà Chính phủ và NHNN đã điều hành lĩnh vực ngân hàng, nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ bất ổn, chuyển sang một giai đoạn khá ổn định hiện nay. Cơ quan quản lý đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần mang tới sự ổn định”.

Mai Nhàn