Đó là sự thật và những gì sắp kể sau đây, tôi không biết nên vui, buồn, tự hào hay xấu hổ nữa. Nhưng tôi nói bằng tất cả sự quý trọng, ngưỡng mộ về lòng tốt của con người.

  {keywords}
  Ảnh minh họa

Cho đến giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về vị ân nhân không thể ngờ trong đời mình. Về người con gái vẫn luôn chỉ là “trò vui” trong mắt chúng tôi.

Lũ chúng tôi, sáu đứa sẽ chẳng có ngày hôm nay nếu không được cô gái làm nghề cắt tóc gội đầu cho “mượn công” hai tháng trời của cô để nộp học phí. Giờ nhắc lại, trong số chúng tôi cũng đã có những người thành danh không khỏi cúi mặt.

Ngày ấy, tôi là cán bộ lớp ở một trường đại học có tiếng kiêm nhóm trưởng của “phiến quân đệ nhất”. Thời gian chúng tôi tụ tập, đàn đúm, rồng rắn nhau khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp các tụ điểm ăn chơi nhiều hơn thời gian đến giảng đường. Tôi là đứa vào nghề sớm nhất, nên dù đi chơi tôi vẫn có sản phẩm để bào chữa cho sự hư hỏng và buông thả của mình.

Thành viên của nhóm tôi thì khỏi bàn. Toàn là các con giời, công tử, cậu ấm trong gia đình có điều kiện. Gia đình tôi cơ bản nhưng được cái mác học giỏi và tử tế nên nghiễm nhiên tôi là người đại diện cho danh dự và uy tín của nhóm.

Chính vì thế nên khi cả nhóm đứng trước bờ vực nhặt lá đá ống bơ, bị tống cổ khỏi trường học vì không nộp học phí thì tôi vinh dự được bầu “mặt dày” đi vay tiền. Khốn nạn là tiền học của tôi chúng cũng cho tan tành mây khói rồi.

Có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ quỵ lụy ai hay ngửa tay xin xỏ, van nài nếu cả bọn không trong trường hợp sinh - tử và thảm hại như thế!

Người đầu tiên chúng cử tôi đi nhờ cậy là một thầy giáo ở khoa. Thầy là trợ giảng mới ra trường mà nghe đâu theo chúng tìm hiểu thì thầy đang yêu một nữ sinh trong lớp. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu ngày ấy chúng vin vào cớ gì khi nằng nặc ép tôi đi gặp thầy. Hay chúng nghĩ thầy yêu con gái trong lớp nên có nghĩa vụ phải xòe tiền ra để cứu chúng tôi. Hết sức ngớ ngẩn!

Rồi tôi chưa kịp nói hết câu, thầy đã xua tay chối từ. Tôi lầm lũi ra về trong cay đắng, tủi nhục.

Thông báo kết quả cho đồng bọn, đứa nào đứa nấy thở dài thườn thượt. Hết thượng sách chúng nghĩ đến hạ sách, mà khi ấy tôi nghĩ chúng đang “hết khôn dồn đến dại”. Chúng xúi tôi ra đầu ngõ mượn tiền của cô bé làm nghề cắt tóc, gội đầu.

Quả thực chúng tôi cũng hay lui tới đó cắt tóc, trò chuyện tào lao, tán phét với cô bé. Tôi thường ít nói và trong những câu chuyện lao xao đó tôi chẳng bao giờ lên tiếng. Có lẽ vì thế nên chúng nghĩ cô bé quý mến, nể trọng tôi hơn cả.

Phải lấy hết can đảm tôi mới dám bước vào, mở lời nhờ vả. Tuy nhiên, không giống với những gì tôi nghĩ. Cô bé ấy chẳng ngại ngần trở vào nhà lấy hết số tiền mà cô có đem ra cho tôi.

Tôi trở về mà lòng nặng trĩu, nhưng biết ơn vô hạn. Ném số tiền lên bàn trong sự mong ngóng của nhóm bạn, tôi gằn giọng: “Tiền đó nhưng chúng mày nên nhớ hôm nay, cô bé cắt tóc gội đầu đã cứu đời chúng mày, cái người mà chúng mày vẫn hay giễu cợt ấy. Rồi cố gắng kiếm tiền trả lại người ta”.

10 ngày sau chúng tôi gom đủ tiền trả lại cô. Và giờ cũng 10 năm tôi không gặp lại, cũng không có tin tức gì về cô nhưng nghĩ về thời sinh viên dữ dội là tôi lại nhớ về ân nhân này. Vẫn nguyên vẹn những cảm xúc ngày ấy…

Theo Tấm gương/Tiền phong