Hội đồng Bảo an (HĐBA) gồm 15 nước thành viên hôm 13/7 đã nhóm họp sau khi Triều Tiên tuyên bố vừa thử nghiệm ICBM Hwasong-18 mới nhất một ngày trước đó. Bình Nhưỡng cho biết thêm, tên lửa này là cốt lõi trong lực lượng tấn công hạt nhân của đất nước.

Hình ảnh vụ phóng ICBM Hwasong-18 do Triều Tiên công bố ngày 13/7. Ảnh: KCNA

Reuters dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song phát biểu trước HĐBA: “Chúng tôi dứt khoát bác bỏ và lên án việc triệu tập cuộc họp của Hội đồng theo yêu cầu của Mỹ và những nước ủng hộ”.

Theo Đại sứ Kim, vụ phóng ICBM ngày 12/7 là hành động thực hiện quyền tự vệ chính đáng của Triều Tiên “nhằm ngăn chặn các động thái quân sự nguy hiểm của các thế lực thù địch và bảo vệ an ninh của đất nước”.

Các nhà ngoại giao cho biết, Triều Tiên rất hiếm khi cử đại diện đến một cuộc họp của HĐBA về các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của họ, với lần gần đây nhất vào tháng 12/2017.

Kể từ năm 2006, Liên Hợp Quốc đã áp một loạt biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên, bao gồm cả lệnh cấm phát triển tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, HĐBA đã chia rẽ về cách thức xử lý vấn đề Triều Tiên. Nga và Trung Quốc, 2 nước thành viên thường trực Hội đồng có quyền phủ quyết giống như Mỹ, Anh, Pháp, cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp ích, đồng thời muốn nới lỏng những biện pháp đó.

Nga và Trung Quốc cũng đổ lỗi cho các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng. Ngược lại, Washington cáo buộc Moscow và Bắc Kinh khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt.

Tại cuộc họp của HĐBA, Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Jeffrey DeLaurentis nhấn mạnh, Washington luôn theo đuổi biện pháp ngoại giao và "đã nhiều lần cả công khai và riêng tư, ở cấp cao thúc giục Bình Nhưỡng tham gia đàm phán".

Theo ông DeLaurentis, Mỹ đã nói rõ không đòi hỏi các điều kiện tiên quyết và sẽ "thảo luận về bất kỳ chủ đề nào Triều Tiên quan tâm", nhưng không nhận được hồi đáp từ Bình Nhưỡng.

Đại sứ Trung Quốc Zhang Jun mô tả tình hình “căng thẳng” và đang trở nên “đối đầu hơn bao giờ hết”. Ông Zhang nói, Bắc Kinh ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.