Đối với anh Chen Wenjin, chuyến đi về Hồ Bắc trong dịp Tết Nguyên đán không có nghĩa là chuyến đi ‘một chiều’. Nhưng nay, lập trình viên 28 tuổi làm việc tại Quảng Châu này đã mắc kẹt tại thành phố Hiếu Cảm, Hồ Bắc hơn 20 ngày qua do lệnh phong tỏa nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan rộng hơn từ chính quyền trung ương.
Anh Chen chỉ là một trong 1,7 triệu người từ tỉnh Hồ Bắc, và hơn 10 triệu người lao động trên toàn Trung Quốc dự kiến sẽ quay lại tỉnh Quảng Đông để làm việc sau đợt nghỉ Tết. Và dù anh Chen vẫn có thể làm việc từ xa tại quê nhà Hiếu Cảm, nhưng anh vẫn tỏ ra lo lắng về việc mình có thể bị mất việc nếu như không sớm quay trở lại Quảng Châu.
Với việc các phương tiện công cộng ngừng hoạt động, cũng như các chốt kiểm tra trên nhiều con đường lớn như một phần của lệnh phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, thì nhiều người như anh Chen dù có muốn rời thành phố Hiếu Cảm cũng đành ‘lực bất tòng tâm’.
Nhiều người lao động tại TQ chật vật tìm cách quay trở lại nơi họ làm việc. Ảnh: Bloomberg |
“Cách duy nhất để rời khỏi Hiếu Cảm là đường bộ, nhưng bạn sẽ cần có giấy chứng nhận sức khỏe từ chính quyền thành phố Hiếu Cảm để chứng minh bạn có sức khỏe tốt. Tôi không rõ điều gì sẽ xảy ra với mình. Liệu tôi có phải tự cách ly một khi quay lại Quảng Châu hay không. Liệu tôi có phải tự bỏ tiền túi ra cho các chi phí của việc cách ly. Tôi vẫn không biết khi nào, hay bằng cách nào tôi có thể quay trở lại Quảng Châu”, SCMP trích lời Chen nói.
Tỉnh Quảng Đông, một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng nhất của Trung Quốc và là nơi hoạt động của nhiều công ty xuất khẩu quan trọng, đã hạ mức cảnh báo dịch Covid-19 từ hôm 24/2. Trong rất nhiều cuộc họp báo sau đó, các quan chức tỉnh này nói rằng họ muốn người lao động ngoại tỉnh nhanh chóng quay trở lại, nhưng đồng thời cũng sẽ ngăn chặn sự đông đúc của lực lượng lao động có thể dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh lớn hơn tại tỉnh này.
Quan chức Chen Zhusheng thuộc Uỷ ban Y tế tỉnh Quảng Đông cho biết, chính quyền trung ương sẽ sớm ban hành các hướng dẫn cho nhiều doanh nghiệp chỉ đạo về cách điều phối hàng trăm ngàn người lao động ngoại tỉnh quay trở lại với công việc.
“Việc chúng ta cần làm là phân biệt các mức rủi ro về dịch bệnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những lĩnh vực có mức rủi ro thấp hơn thì cần thúc đẩy nhanh chóng việc dỡ bỏ các hạn chế và quay trở lại hoạt động bình thường. Trong khi các lĩnh vực có mức nguy cơ trung bình hoặc cao sẽ cần phải thận trọng trong việc cùng lúc cân bằng giữa kiểm soát dịch và tái hoạt động sản xuất”, ông Chen Zhusheng nói.
Trong khi đó quan chức cấp cao của Uỷ ban Y tế Quảng Đông Feng Huiqiang lại nhận định rằng, chính quyền tỉnh này muốn những ai tới từ các vùng có nguy cơ cao không nên vội vã quay lại Quảng Đông. Nếu họ phải quay trở lại thì việc đầu tiên cần làm là cách ly trong 14 ngày.
“Mọi người cần làm theo các hướng dẫn. Ngoài việc đi làm ra, thì đừng đi chơi, đừng tụ tập, không ăn tối cùng nhau, không ăn các động vật hoang dã. Và đừng để mất sự lạc quan”, ông Feng nhận định.
Giáo sư dịch tễ học Lu Jiahai thuộc trường Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu cho biết, ông vẫn có một sự lạc quan thận trọng rằng, tỉnh Quảng Đông sẽ vượt được qua sự khó khăn, với việc các ca nhiễm mới Covid-19 tại tỉnh này đã sụt giảm liên tục trong thời gian gần đây.
“Nếu mọi người đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, đi ăn một mình và giữ vệ sinh môi trường làm việc sạch sẽ, thì nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm mới sẽ thấp hơn. Tôi tin việc chiến thắng virus corona là nằm trong tầm tay. Chúng ta chỉ cần ‘cầm cự’ thêm một chút nữa”, ông Lu kết luận.
Tuấn Trần