Trong ngày 2/7, tờ Daily Telegraph đã đăng tải bài phỏng vấn với ông Yury Sak - cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine. Ông Sak cho biết, UAV Lancet đang trở thành cơn đau đầu với Ukraine tại tiền tuyến, và họ cần nhiều vũ khí tiên tiến hơn từ các đồng minh phương Tây để ứng phó.

"Theo thông tin tình báo của chúng tôi, Nga đang đẩy mạnh việc sản xuất các UAV cảm tử. Dù không muốn khen ngợi đối thủ, nhưng các UAV này hoạt động không tệ. Chúng có khả năng làm hỏng thiết bị của chúng tôi và đe dọa trực tiếp binh lính trên tiền tuyến", ông Sak cho biết.

Cũng theo quan chức Ukraine, UAV Lancet của Nga có thể mang theo 3kg chất nổ, bay ở độ cao thấp để tránh radar và có thể lảng vảng trên không để chờ mục tiêu. Những yếu tố này khiến chúng trở thành mối đe dọa lớn với pháo binh Ukraine, nhất là khi Kiev không muốn sử dụng các loại tên lửa phòng không đắt đỏ để đánh chặn những UAV "giá rẻ".

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn vào hồi tháng 4 với tờ The Economist, đại diện Bộ Nội vụ Ukraine cũng gọi Lancet là "UAV nguy hiểm nhất đối với pháo binh nước này".

UAV cảm tử Lancet của Nga. Ảnh: Sputnik

Tuy vậy, ông Sak cho rằng pháo phòng không tự hành Gepard của Đức là một phương án hiệu quả để đối phó với Lancet, đề nghị các đồng minh phương Tây gửi thêm loại vũ khí này tới Ukraine. "Gepard rất cơ động và có một hệ thống radar hiện đại. Các khẩu pháo 35mm của hệ thống phòng không này cũng phù hợp để bắn hạ UAV ở tầm thấp".

Hiện tại, Đức đã gửi 34 pháo phòng không Gepard tới Ukraine, với 18 chiếc khác đang trên đường vận chuyển. Tới cuối năm 2023, Berlin sẽ cung cấp cho Kiev tổng cộng 45 chiếc Gepard.

Các thiết bị tác chiến điện tử cũng là một phương án khả thi để vô hiệu hóa Lancet. Tuy vậy, Ukraine không sở hữu nhiều thiết bị kiểu này và phương Tây cũng không thường xuyên cung cấp chúng.