“Quân đội Ukraine tất nhiên sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn. Ở thời điểm hiện tại, binh sĩ chúng tôi vẫn kiểm soát thành phố Bakhmut. Nhưng nếu cần thiết, chúng tôi sẽ rút lui chiến thuật. Chúng tôi sẽ không hy sinh tất cả mọi người chỉ vì điều vô ích”, hãng tin AP dẫn lời ông Rodnyansky nhận định hôm 1/3.

Khung cảnh hoang tàn do chiến sự ở Bakhmut, Ukraine. Ảnh: AP

Theo ông Rodnyansky, quân đội Nga đang điều động những binh sĩ tốt nhất thuộc công ty quân sự tư nhân Wagner để siết chặt vòng vây ở Bakhmut.

Trong khi đó, người đứng đầu công ty quân sự Wagner Yevgeny Prigozhin cùng ngày lại nhận định rằng bản thân ông không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quân đội Ukraine đang rút khỏi Bakhmut. 

“Trên thực tế, phía Kiev đang củng cố các vị trí phòng thủ ở đó. Quân đội Ukraine đang bổ sung thêm binh sĩ và làm mọi thứ có thể để giữ quyền kiểm soát thành phố. Hàng nghìn binh sĩ Ukraine đang thực hiện việc kháng cự một cách quyết liệt, và tình hình giao tranh ngày càng khốc liệt hơn”, ông Prigozhin nói với hãng thông tấn CNN.

Ukraine công bố tổn thất của Nga tại Vuhledar

Tờ The Guardian rạng sáng nay (2/3) trích lời một quan chức Ukraine giấu tên cho hay, quân đội Nga trong ba tuần qua đã mất khoảng 130 xe tăng và xe bọc thép khi tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Vuhledar thuộc khu vực Donbass.

“Cả Ukraine và Nga đều điều xe tăng tham gia chiến đấu, với việc quân đội Nga thường triển khai chiến xa đi theo đội hình tác chiến còn phía Ukraine thì tổ chức phòng thủ một cách linh hoạt. Quân Ukraine thường khai hỏa từ xa hoặc từ các chỗ ẩn nấp khi quân đối phương lọt vào tầm ngắm. Chính điều này dẫn đến việc các đội hình thiết giáp của Nga hay bị rơi vào ổ phục kích”, quan chức Ukraine giấu tên cho hay.

Hiện quân đội Nga chưa bình luận thông tin tổn thất về khí tài được The Guardian đăng tải.

Belarus ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được tổ chức hôm 1/3 nói rằng, bản thân ông ủng hộ những đề xuất giải quyết cuộc xung đột Ukraine tới từ Bắc Kinh.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: China Daily

“Lập trường cốt lõi của Trung Quốc là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, kêu gọi từ bỏ tâm lý có từ thời Chiến tranh Lạnh cũng như xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bề vững. Belarus hoàn toàn ủng hộ lập trường cũng như các đề xuất của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine, khi điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc xoa dịu tình hình”, tờ China Daily dẫn lời ông Lukashenko nói trong cuộc gặp. 

Theo CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào tuần trước đã công bố bản lập trường 12 điểm có nội dung xoay quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong đó kêu gọi cộng đồng quốc tế cần góp phần hỗ trợ Moscow và Kiev nối lại các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột.