CNN trích dẫn thông cáo của nhà chức trách Phần Lan cho hay: “Tại Pelkola, việc xây dựng một tường rào thí điểm dài khoảng 3km đã bắt đầu ở cả hai bên cửa khẩu Imatra. Công việc tại thực địa bắt đầu vào ngày 28/2 với việc phát quang rừng, và sẽ tiến hành theo cách có thể bắt đầu xây dựng đường và lắp đặt hàng rào vào tháng 3, sau đó là xây dựng hệ thống giám sát kỹ thuật. Việc thí điểm dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6”.

Lính biên phòng Phần Lan tuần tra dọc biên giới với Nga ở Pelkola. Ảnh: The Guardian

Theo báo Guardian, Phần Lan sẽ cho xây thêm 70km tường rào nữa ở đông nam trong giai đoạn 2023 – 2025. Nước này đã lên kế hoạch chi khoảng 380 triệu Euro để thiết lập tổng cộng 200km tường rào dọc đường biên giới trải dài 1.300km với Nga. Tường rào sẽ cao 3m, có gắn dây thép gai trên đỉnh và được trang bị các camera nhìn xuyên đêm, đèn chiếu sáng và loa phóng thanh.

Nhà chức trách tiết lộ, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi tình hình an ninh "về cơ bản" và buộc Helsinki phải có biện pháp ngăn chặn nguy cơ người di cư ồ ạt vượt biên trái phép. 

Động thái mới diễn ra khi Quốc hội Phần Lan dự kiến bỏ phiếu thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào chiều 1/3 theo giờ địa phương.

IAEA quan ngại về nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 28/2 bày tỏ lo ngại về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya lớn nhất châu Âu của Ukraine.

“Tiếng pháo gần nhà máy Zaporizhzhya cùng việc hư hỏng tạm thời đường dây điện dự phòng duy nhất còn lại tại đây một lần nữa nhấn mạnh những rủi ro an ninh và an toàn hạt nhân dai dẳng trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine”, ông Grossi nói.

Lãnh đạo cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cũng bày to lo lắng về việc trì hoãn luân chuyển các chuyên gia IAEA đang làm nhiệm vụ hỗ trợ tại Zaporizhzhya, cơ sở hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga.

Ukraine kêu gọi sự ủng hộ của Mexico

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk kêu gọi Mexico từ bỏ lập trường trung lập để ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Moscow. “Chúng tôi cần thêm sự hỗ trợ. Tôi đang đề cập ít nhất tới sự trợ giúp về quân sự”, ông Melnyk nói trong cuộc phỏng vấn với đài CNNE ở Mexico.

Dù Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador từng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho xung đột Nga – Ukraine, nhưng ông nhấn mạnh Mexico muốn duy trì sự trung lập và sẽ không áp trừng phạt kinh tế chống Moscow.