Tên lửa hành trình Tomahawk được Mỹ đưa vào sử dụng vào những năm 1980. Tên lửa có tầm bắn 2.500km, gấp 7 lần so với hệ thống tên lửa lục quân chiến thuật (ATACMS) mà Washington đã cấp cho Kiev.
Hồi đầu tuần, truyền thông đưa tin Nhà Trắng đã cho phép quân đội Ukraine sử dụng ATACMS để tấn công lãnh thổ Nga. Washington chưa chính thức lên tiếng xác nhận, nhưng Moscow cho biết một số tên lửa ATACMS đã được Ukraine phóng vào vùng Bryansk của Nga.
Trong bài báo đăng hôm 20/11, tờ Politico đưa tin các quan chức Ukraine cho rằng việc Mỹ "cởi trói" để Ukraine sử dụng ATACMS tấn công lãnh thổ Nga là không đủ để thay đổi tình hình xung đột, và Kiev đang hy vọng nhận được vũ khí mạnh hơn từ Washington.
Theo ông Egor Cherniev, thành viên Quốc hội Ukraine và là người đứng đầu phái đoàn Ukraine tại Đại hội đồng Nghị viện NATO, Kiev đang cân nhắc tiếp cận chính quyền Tổng thống Joe Biden để xin phép sử dụng tên lửa Tomahawk tấn công các nhà máy quân sự của Nga vốn đang “nằm ngoài tầm với của Ukraine".
Ông Cherniev nói thêm, các quan chức Ukraine lo ngại chính quyền mới của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể do dự hơn trong việc cấp phép vũ khí, mà thay vào đó có thể sử dụng chúng "làm đòn bẩy, hoặc lập luận trong các cuộc đàm phán với Nga".
Ông nhấn mạnh, Ukraine sẽ còn 2 tháng hy vọng quyết định chuyển giao tên lửa Tomahawk có thể được ông Bien đưa ra, trước khi ông Trump chính thức nhậm chức.
Đề nghị được nhận tên lửa Tomahawk là một trong những điểm bí mật thuộc "kế hoạch chiến thắng" mà Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố hồi tháng 10. Tờ New York Times (NYT) dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, Tomahawk được Ukaine yêu cầu như một phần của "gói răn đe phi hạt nhân". Tuy nhiên, NYT cho hay Washington đã từ chối đề nghị của Kiev về tên lửa Tomahawk, do xem đây là "yêu cầu hoàn toàn không khả thi".
Trong khi đó, Moscow cho rằng việc Kiev muốn có tên lửa hành trình Tomahawk là bằng chứng cho thấy "sự lo lắng" của giới lãnh đạo Ukraine trước những thất bại trong quá trình xung đột.