Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Campuchia từ ngày 13-16/3, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự lễ khai mạc Triển lãm “Digital Cambodia 2019” và có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Digital Cambodia 2019 là triển lãm công nghệ đầu tiên và lớn nhất Campuchia, với sự hiện diện của những hãng công nghệ hàng đầu, nơi đưa ra các giải pháp và ý tưởng sáng tạo cho ngành ICT. Cùng với các doanh nghiệp Campuchia, nhiều công ty công nghệ Việt Nam đang làm ăn tại nước này như Metfone (Viettel), VNPT, MobiFone, FPT, BKAV... cũng đã tham dự và có gian trưng bày tại sự kiện. 

VietNamNet xin giới thiệu tóm lược nội dung chính bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Bộ trưởng Kỹ thuật số Campuchia (Ministerial Forum Digital Cambodia):

Việt Nam làm gì trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Tại Việt Nam, CMCN 4.0 đã gõ cửa mỗi cơ quan chính phủ, mọi công ty và mọi người dân. Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các chiến lược và chính sách trong tất cả các lĩnh vực để tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng ASEAN ở Triển lãm Digital Cambodia 2019. (Ảnh: PV/TTXVN)

Chiến lược CMCN 4.0 của Việt Nam sẽ gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn một, đẩy nhanh việc áp dụng CMCN 4.0 trong tất cả các ngành nhằm tăng hiệu quả hoạt động và năng suất lao động và tạo cơ hội mới cho tăng trưởng.

Giai đoạn hai, tập trung vào nghiên cứu và làm chủ công nghệ để phát triển các sản phẩm 4.0, thông qua chương trình Make in Vietnam 4.0.

Giai đoạn ba, sử dụng CMCN 4.0 như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu để hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia.

ASEAN phải làm gì để tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0?

Trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) vừa được tổ chức tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo của khu vực đã tuyên bố CMCN 4.0 là cơ hội và động lực để ASEAN trở thành khu vực kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và EU.

Để hiện thực hóa tuyên bố của các nhà lãnh đạo, ban đầu, các quốc gia thành viên ASEAN nên kết nối với nhau trên tinh thần của những người làm việc cùng nhau, cùng nhau phát triển. ASEAN cần phát triển một cơ chế chung cho phép việc áp dụng chính sách sandbox cho các sản phẩm 4.0 và các mô hình kinh doanh mới.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng các quan chức nước chủ nhà Campuchia và doanh nghiệp tài trợ khai mạc cuộc triển lãm. (Ảnh: PV/TTXVN)

ASEAN cần tạo ra một thị trường chung dựa trên sự tương đồng về văn hóa và kết nối địa lý để đưa các sản phẩm 4.0 vào thực tiễn.

ASEAN phải có một số doanh nghiệp lớn, dẫn đầu về CMCN 4.0 ​​trong khu vực. Những doanh nghiệp này cần được cung cấp với điều kiện thuận lợi để phát triển ở cấp khu vực.

Việt Nam đóng góp gì trong cuộc CMCN 4.0?

Việt Nam đang hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm liên kết 4.0 có trụ sở tại Việt Nam. Việt Nam mong muốn sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN vào trung tâm.

Về cơ sở hạ tầng viễn thông, Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G vào năm 2019 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác trong việc phát triển công nghệ 5G. Việt Nam sẽ mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.

(Quý độc giả có thể xem toàn văn bài phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng Kỹ thuật số Campuchia (Ministerial Forum Digital Cambodia) của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại đây.)

Trọng Đạt