Công nghệ AI đã đạt tiến bộ đáng kể trong những thập kỷ qua, thế nhưng vẫn còn nhiều thách thức trong việc ứng dụng AI vào thực tế cuộc sống. Mỗi trường hợp sử dụng đều yêu cầu một mô hình AI mới được thiết kế và xây dựng bằng những dữ liệu cụ thể.

Với thế giới số hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang cảm thấy loay hoay khi phải đối mặt với một lượng dữ liệu khổng lồ. Trong quá trình tích hợp AI để chuyển đổi số, họ vẫn có những lo ngại nhất định về mức độ an toàn của công nghệ. Các doanh nghiệp cũng không cảm thấy chắc chắn về khoản lợi nhuận kiếm được mà việc tích hợp AI có thể mang lại. 

Sự nổi lên của ChatGPT thời gian gần đây đã làm dấy lên làn sóng ứng dụng AI trong cuộc sống và doanh nghiệp. 

Một cuộc khảo sát được IBM thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, 30% số người được hỏi cho biết sự tin cậy và minh bạch là rào cản khiến họ chưa ứng dụng AI. 42% người được hỏi nói rằng quyền riêng tư cũng là một vấn đề khiến họ phải cân nhắc.

Tuy vậy, bất chấp những băn khoăn, lúng túng từ phía các doanh nghiệp, công nghệ AI được dự đoán sẽ tạo ra gần 16.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Đó cũng là lý do nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng cường mức độ chi tiêu cho công nghệ này.

Tại Đông Nam Á, theo ước tính của EDBI và Kearney Analysis, công nghệ AI được dự đoán sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD vào GDP của các quốc gia trong khu vực vào năm 2030. Trong đó, AI được kỳ vọng đóng góp 92 tỷ USD cho GDP Philippines. Với trường hợp của Indonesia, công nghệ AI có thể bổ sung 366 tỷ USD vào GDP nước này trong thập kỷ tới.

Chia sẻ tại sự kiện giới thiệu nền tảng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) Watsonx sáng 10/5, ông Kieran Hagan, Giám đốc Khối Trí tuệ Nhân tạo và Tự động hóa của IBM tại khu vực Đông Nam Á, Úc, New Zealand và Hàn Quốc (ASEANZK) cho hay, đối với nhiều công ty, tổ chức, việc xây dựng một mô hình nền tảng trí tuệ nhân tạo tốn kém rất nhiều chi phí. 

“Với một mô hình AI dành cho người tiêu dùng, chúng là những tập dữ liệu khổng lồ chưa được gắn nhãn, với lượng terabyte dữ liệu khổng lồ và hàng tỷ các tham số”, ông Kieran Hagan chia sẻ. 

Nhiều doanh nghiệp và chính phủ trên thế giới đang tìm cách đẩy mạnh ứng dụng AI. Trong hình là hệ thống Giám sát người lái bằng công nghệ AI do người Việt phát triển. 

Theo đại diện IBM, bài toán này có thể được giải quyết với 20 mô hình nền tảng hiện có được thiết lập sẵn của Watsonx do hãng này phát triển. Watsonx hướng tới nhóm đối tượng người dùng là các doanh nghiệp, các nhà khoa học dữ liệu và các nhà phát triển. Bên sử dụng có thể tùy biến hoạt động của nền tảng để chúng phù hợp hơn với dữ liệu của mình. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tạo ra mô hình AI của riêng họ.

Trong chuyển đổi số, công nghệ AI đóng vai trò xử lý dữ liệu đầu vào để hỗ trợ việc ra quyết định của các doanh nghiệp. Thế nhưng theo một nghiên cứu được IBM thực hiện năm 2021, có tới 91% doanh nghiệp cho biết, điều họ băn khoăn là làm sao giải thích được những dự đoán, phân tích mà AI thực hiện. Đây là rào cản gây ra tâm lý sợ hãi, quan ngại trong việc ứng dụng AI vào môi trường làm việc. 

Đại diện IBM cho rằng, đôi khi rất khó để giải thích về cách thức AI đưa ra quyết định, đặc biệt là với một mô hình phức tạp và có lượng tham số lớn. Tuy nhiên, những băn khoăn này giờ đây đã được nền tảng Watsonx giải quyết thông qua các công cụ nguồn mở. Nhờ đó, tất cả thông tin, dữ liệu dẫn đến các gợi ý, phân tích của AI đều có thể được kiểm chứng, từ đó hỗ trợ tốt hơn và đảm bảo sự yên tâm hơn trong quá trình ra quyết định. 

Theo ông Kieran Hagan, nếu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có chính sách đầu tư mạnh mẽ cho việc ứng dụng, phát triển công nghệ AI, họ sẽ thu về những món lợi hàng tỷ USD từ lợi ích của trí tuệ nhân tạo. 

Nguyễn Mạnh Hưng, Hoàng Tư Giang