Có thể không, nhưng điều ít nhất ông Trump có thể làm là tránh khiến cho tình hình ở Triều Tiên tồi tệ thêm.


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang có mặt ở châu Á trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới - và ông sẽ đối mặt với vấn đề hóc búa là mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên.
{keywords}
  Ông Kim Jong Un. (Ảnh: KCNA)

Theo tạp chí Politico, khi còn là CEO của tập đoàn ExxonMobil, Tillerson đã quen đàm phán khó với các đối tác. Nhưng Kim Jong Un lại đặt ra một thách thức khác biệt, bởi ông này có trong tay các vũ khí hạt nhân.

Tuần trước, Bình Nhưỡng đã bắn đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo tầm trung, thể hiện sức mạnh hạt nhân tiềm tàng. Nhà Trắng đối mặt với áp lực ngày càng tăng phải thực hiện một hành động nào đó - trừng phạt, phòng thủ hoặc tìm cách giải quyết.

Điều khiến cho việc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên trở nên đáng lo ngại là bởi, đến một thời điểm nào đó trong tương lai không quá xa, nước này có thể sẽ đạt tới khả năng lắp vừa một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa và dùng nó để chống lại Mỹ.

Tổng thống Trump đã vạch ra ranh đỏ, khi tuyên bố thẳng thừng "sẽ không có chuyện đó". Đến giờ, Washington đã đưa một hệ thống chống tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc và thúc ép Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng. Tuy vậy, Nhà Trắng vẫn chưa vạch ra được chiến lược nào ngăn chặn chính quyền Bình Nhưỡng.

Trong số các lựa chọn mà ông Trump có sẵn không có lựa chọn nào thu hút chú ý, và chúng chứa đầy những hệ lụy nguy hiểm. Nhà Trắng dường như đang đánh giá lại tất cả các kiểu phản ứng, từ đàm phán cho tới tấn công phủ đầu. Và trong bối cảnh Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng áp đặt trừng phạt gắt gao hơn lên Bình Nhưỡng, sự kết hợp giữa áp lực kinh tế và đối thoại cũng đáng cân nhắc.

Nhưng áp lực phải làm "điều gì đó" không nên khiến các quan chức và chuyên gia Mỹ quên mất những rủi ro thực sự trong trường hợp đàm phán đạt tới thỏa thuận. Một sự đóng băng các hoạt động phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên có vẻ triển vọng, và có thể là bước đầu tiên cần thiết hướng tới một thỏa thuận tổng thể. Nhưng rủi ro là Triều Tiên có thể sẽ giấu nhẹm các cơ sở trong khi đàm phán.

Hơn thế nữa, bất kỳ thỏa thuận nào không có vai trò của Seoul và Tokyo đều có thể khiến các đồng minh của Mỹ không hài lòng. Đây là lý do mà vấn đề Triều Tiên trở nên quá phức tạp như vậy. Mỹ không những phải tính toán về các nhu cầu an ninh của chính mình, mà còn của cả Nhật và Hàn Quốc.

Theo Politico, Ngoại trưởng Tillerson có thể sẽ thành công nếu ông tận dụng chuyến công du tới Seoul để hiểu vì sao người Hàn Quốc lo ngại và làm thế nào Mỹ có thể xoa dịu được nỗi lo đó.

Tillerson cũng cần phải trấn an người Hàn rằng, một sự đóng băng hoạt động phát triển vũ khí ở Triều Tiên nếu có sẽ nằm trong lợi ích của cả Seoul và Washington chừng nào nó không đặt ra cái giá quá cao.

Tổng thống Trump nên làm gì? Cách thức tiếp cận tốt nhất là đảm bảo rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Triều Tiên sẽ đều không phụ thuộc vào đòn bẩy từ Trung Quốc, đồng thời phải gắn với nỗ lực thường xuyên và lâu dài để thuyết phục Hàn Quốc về cam kết an ninh bền bỉ của Mỹ.

Theo cách này, chính quyền ông Trump có thể đánh giá lợi ích và thiệt hại của các biện pháp trong khi vẫn giữ nguyên được bức tranh tổng thể.

Một cách thể hiện điều này là Mỹ phải đồng bộ các chiến thuật ngắn hạn với chiến lược khu vực dài hạn. Tránh được tương lai nguy hiểm phải là một mục tiêu chính sách đối ngoại then chốt của Mỹ.

Thanh Hảo