Những ngày qua, hình ảnh nhóm học sinh dồn cô giáo Tuyên Quang vào góc lớp, xúc phạm, ném dép vào đầu cô... lan truyền trên mạng xã hội đã gây choáng váng dư luận. Xem những clip, cô giáo Hà Ngọc Anh (Lạng Sơn) cảm thấy đau lòng bởi đây là lần đầu tiên cô chứng kiến điều này, cho dù đã có hơn 20 năm đi dạy.
“Tôi bàng hoàng, cảm thấy chua xót và thương cho đồng nghiệp. Tôi thấy như chính mình đang đứng đó, cố kìm nén, né tránh những lời xúc phạm, những chiếc dép... đang nhằm vào mình.
Chiếc dép bay vào mặt cô giáo giữa những tiếng hò reo phải chăng là cú ném thẳng vào nghề dạy? Các em đã quay lưng với truyền thống tôn sư trọng đạo - nghề từng được coi trọng bậc nhất ở nước ta”.
Cảm giác đầu tiên của thầy giáo Nguyễn Minh Phương (85 tuổi, TP.HCM) sau khi xem các clip được lan truyền trên mạng là sự choáng váng, sững sờ.
“Mấy chục năm đi dạy, rồi ngay cả khi nghỉ hưu tới nay, tôi chưa bao giờ thấy chuyện học sinh dồn giáo viên vào góc lớp, chửi bới như vậy. Thật sự quá buồn khi trong môi trường học đường lại xảy ra câu chuyện này. Tôi thấy xót xa cho cô giáo. Chắc chắn cô đã rất bất lực và tổn thương”.
Học sinh được bảo vệ, còn giáo viên ra sao?
Thầy giáo Nguyễn Minh Phương cũng bày tỏ sự thất vọng khi đọc trả lời của chính quyền về vụ việc.
"Như những gì tôi đọc được trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo xã nói chắc chắn có những lỗi từ ở cả hai phía “chứ không phải tự nhiên các cháu lại làm như thế". Rồi chuyện “cô giáo từng bị kỷ luật", "cô giáo ăn nói chợ búa"... được mang ra biện minh cho hành động của những học sinh, rằng vì cô thế nên mới bị học trò đánh.
Thật đáng buồn! Lãnh đạo lại biện hộ như thế hỏi sao học sinh không làm loạn? Rồi đây, giáo viên của xã này trông mong được ai bảo vệ nữa?" - thầy giáo cảm thán. "Cứ nhìn tình trạng học sinh, phụ huynh thiếu tôn trọng nghề giáo như vậy rồi con cháu chúng ta nếu học giỏi sẽ ráng học ngành khác để làm, lấy đâu ra giáo viên giỏi, giáo viên có tâm?". Các thầy cô cũng đồng tình, áp lực tứ phía từ học sinh, phụ huynh... là nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng.
Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM đánh giá sự việc lần này tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc bảo vệ nhà giáo khi bị bạo lực trong môi trường học đường.
"Sự việc xảy ra từ ngày 29/11, nhưng đến tối 4/12, đại diện Sở GD-ĐT Tuyên Quang cho hay theo phân cấp quản lý, sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện nên Sở GD-ĐT Tuyên Quang đã đề nghị UBND huyện Sơn Dương xác minh làm rõ, chờ báo cáo chính thức từ phía huyện Sơn Dương.
Điều này cho thấy những hạn chế của ngành giáo dục trong việc bảo vệ chính "người của mình", khi không thể vào cuộc ngay mà còn phải chờ "báo cáo chính thức" từ cơ quan khác".
"Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học - có hiệu lực từ ngày 1/11/2020 - tại Khoản 2 Điều 38 quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trước đó, tại Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành năm 2011, Khoản 2 Điều 42 quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức là: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.
Như vậy, từ 3 năm nay, các hình thức giáo dục, xử lý kỷ luật học sinh có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý nhất là nhà trường không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, không bêu tên học sinh nơi tập thể có đông bạn bè, giáo viên, phụ huynh. Thay vào đó, việc nhà trường cần làm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Việc điều chỉnh này, ngay từ thời điểm thông tư ban hành, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng việc bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường sẽ giúp tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học… Tuy nhiên, bên còn lại - rất nhiều trong đó là giáo viên - lại thấy việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ một trong những biện pháp giáo dục của giáo viên và nhà trường.
Thật sự 3 năm qua, điều này có thể càng ngày càng thấy rõ khi những vụ việc học sinh hành xử quá trớn với giáo viên, học sinh xem thường giáo viên xuất hiện ngày càng nhiều".
Vụ việc nhóm học sinh lớp 7 của Trường THCS Văn Phú dồn cô giáo vào góc tường, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nếu không có cách xử lý thỏa đáng sẽ để lại những hậu quả khôn lường.
Trong những tình huống “vượt ngoài tầm kiểm soát” như thế, theo ông Lâm, chính giáo viên cũng cần phải trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình.
“Thay vì tự mình xử lý vấn đề, khi gặp những học trò manh động, cô giáo cần phải gọi sự trợ giúp của Ban giám hiệu hoặc tổ bảo vệ của nhà trường. Chỉ khi chắc chắn vấn đề không nghiêm trọng, giáo viên mới tự mình xử lý dựa trên tinh thần thuyết phục để các em nhận ra thiếu sót, sai lầm, không phải để thỏa mãn sự bực tức cá nhân”.
Việc dùng một hành vi sai (như đòn roi, mắng chửi) để dạy dỗ một hành vi sai, theo ông Lâm, là điều tuyệt đối không nên làm.
Để cảm hóa, thu phục những học sinh manh động, hỗn hào, ông Lâm cho rằng đó là một hành trình dài và cần giáo viên phải có năng lực sư phạm để ứng phó với những bức xúc của học sinh. Điều này cần thực hiện dựa trên các yếu tố: uy nghiêm, tận tâm, chia sẻ, thông cảm, bao dung…
Trong câu chuyện của Trường THCS Văn Phú, ông Lâm cho rằng, để học sinh tới mức “cả giận mất khôn” như vậy một phần cũng do lỗi của giáo viên.
“Học sinh ở độ tuổi cấp 2 rất dễ thu phục, nhưng nếu không dùng biện pháp đúng dễ xảy ra tâm lý phản kháng, ức chế, manh động. Do đó, giáo viên nên cho học sinh nói thẳng, nói thật để thỏa bức xúc và lấy lại bình tĩnh. Thay vì khăng khăng giành lẽ phải về mình, cô giáo nên làm gương, thừa nhận sai sót nếu có để thuyết phục học trò. Khi giáo dục học sinh bằng sự chân thành, gương mẫu, tôn trọng, yêu thương, chắc chắn sẽ không xảy ra những câu chuyện ngoài mong muốn như thế”, ông Lâm nói.
Bà Phạm Mai, một nhà quan sát giáo dục, cho rằng trong tình huống học sinh có các biểu hiện quá khích, giáo viên cần giữ sự bình tĩnh. Sự luống cuống lo sợ hay ngược lại nóng giận bực tức đều không mang lại kết quả tích cực trong bất kỳ trường hợp nào, thậm chí còn có thể khiến trẻ thêm tăng động hoặc bị kích động nhiều hơn. Hơn nữa, chỉ có sự bình tĩnh mới có thể giúp các thầy cô sáng suốt đưa ra các quyết định đúng đắn và kịp thời.
“Học sinh vì thấy cô tỏ ra bất lực và bối rối nên càng được đà lấn tới, khiến cho cô giáo sau đó phải có những hành động cực đoan và không có lợi cho hình ảnh người thầy”.
Trong vụ việc của Trường THCS Văn Phú, theo bà Mai, cô giáo không nên xử lý vấn đề một mình mà cần gọi điện thoại nhờ Ban giám hiệu tới hỗ trợ. Về phía nhà trường, để dạy và phụ trách những lớp có các học sinh cá biệt như thế, Ban giám hiệu cần phân công giáo viên có kỹ năng sư phạm giỏi, hiểu biết tâm lý học sinh và có kinh nghiệm xử lý các vấn đề bạo lực học đường.
“Ban giám hiệu không nên để giáo viên một mình đối phó với học sinh cá biệt mà phải có sự hỗ trợ, bảo vệ và tư vấn kịp thời khi có vấn đề xung đột xảy ra giữa giáo viên và học sinh. Nhà trường cũng cần giữ liên hệ chặt chẽ với phụ huynh của các học sinh cá biệt để phối hợp với gia đình giáo dục trẻ.
Trong trường hợp trẻ cá biệt thiếu vắng cha mẹ hoặc cha mẹ thiếu sự hợp tác với nhà trường, việc giáo dục trẻ tại trường càng phải cẩn trọng hơn nữa, trước hết vì chính sự an toàn của thầy cô và các học sinh khác trong lớp”, bà Mai nói.
Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cũng cho rằng trước những “học sinh cá biệt”, giáo viên cần có năng lực sư phạm để tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý cho từng trường hợp học sinh.
“Khi học sinh vượt qua giới hạn là việc chửi nhưng không phải nhận sự trừng phạt nào, trẻ sẽ tiếp tục lấn tới, leo lên nấc cao hơn là có những hành động vô lễ. Nếu tiếp tục không có sự trừng phạt nào, chúng sẽ coi đó là điều bình thường và tiếp tục có những hành động đi quá giới hạn. Trong tình huống này, nếu không xử lý triệt để có thể sẽ dẫn tới những hành vi đau lòng”.
Vì thế, vị hiệu trưởng này cho rằng, trong các trường học hiện nay cần phải thành lập một tổ phản ứng nhanh, bao gồm Ban giám hiệu, giám thị, bảo vệ để kịp thời xử lý và có biện pháp răn đe trong những tình huống tương tự xảy ra.
Thúy Nga
Liên quan đến vụ việc cô giáo bị nhóm học sinh dồn vào góc lớp, ném dép vào người, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác đối với Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú.
Trong những clip đó, phía sau sự hỗn loạn, tiếng la hét, tôi thấy sự cô đơn đến cùng cực của cô giáo...
Liên quan đến vụ cô giáo Tuyên Quang bị học sinh dồn vào góc lớp, chửi bới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, dù bạo lực xảy ra trong trường nhưng là hiện tượng toàn xã hội và chúng ta phải có trách nhiệm chung tay giải quyết, xử lý.