Theo tờ Business Insider, những bức ảnh và video mới được công bố cho thấy, Ukraine đang tiếp tục sản xuất nhiều loại vũ khí mồi nhử bao gồm hệ thống radar AN/MPQ-64 Sentinel và hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T.
Trong một video, hệ thống AN/MPQ-64 giả có các bộ phận có thể chuyển động cơ học. Đây là chi tiết ấn tượng giúp nó trông giống như thật. Còn mô hình IRIS-T có bệ phóng trông như thật và có thể nâng lên, giúp tạo cảm giác như một hệ thống phòng thủ tên lửa thực thụ.
Khi đoạn phim về các loại vũ khí mồi nhử của Ukraine được chia sẻ, kênh Telegram của Nga cũng đã xuất hiện thông tin về một cuộc tấn công thành công của Nga nhằm vào hệ thống phòng không Ukraine.
Các blogger quân sự đã ca ngợi và chia sẻ video được cho là cuộc tấn công của Nga nhằm vào hệ thống IRIS-T ở làng Lisne thuộc vùng Kharkiv.
Nhưng các nguồn tin Ukraine lại cho rằng, trên thực tế Nga chỉ đánh trúng "mồi nhử", chứ không phải hệ thống IRIS-T thật. Thiết bị này được đặt ở một địa điểm phòng không đã bị bỏ hoang.
Theo bài đăng trên Telegram của tờ Insider UA của Ukraine, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo Iskander vào hệ thống IRIS-T giả. Khi so sánh, IRIS-T giả chỉ có giá 10.000 USD, trong khi tên lửa Nga có giá 3 triệu USD.
Hiện Nga chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Theo Business Insider, những vũ khí "mồi nhử" gần đây của Ukraine trông tinh vi hơn nhiều so với trước đây như hệ thống pháo phản lực HIMARS làm từ gỗ, lựu pháo làm từ ống nước, và hệ thống radar từ thùng dầu.
Trên thực tế, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng vũ khí "mồi nhử" để làm tiêu hao tên lửa đắt tiền, và UAV của đối phương.
Vào tháng 12/2023, Ukraine từng hao phí đạn dược khi tấn công vào một máy bay tấn công mặt đất Su-25 giả của Nga. Trong các bức ảnh vệ tinh, Nga đã vẽ hình Su-25 lên đường băng tại căn cứ.
Một chuyên gia từng nhận định đang có một "cuộc chạy đua vũ trang mồi nhử" diễn ra ở Ukraine. Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ, nhiệm vụ đánh lừa đối phương bằng vũ khí giả của cả Nga và Ukraine càng trở nên khó khăn hơn.