Mẫu xe tăng mới được trang bị đầy đủ các tính năng tiêu biểu của vũ khí quân sự hiện đại. Với việc sử dụng động cơ diesel lai điện, cỗ máy trở nên nhẹ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều lần so với các model Abram ngốn xăng hiện tại. Không chỉ vậy, AbramX có khả năng tác chiến với đội lái ít hơn, cùng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện kẻ địch.

Mẫu M1 Abram hiện đang là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Mỹ và lực lượng thuỷ quân lục chiến nước này. Mặc dù mẫu xe đã trải qua nhiều thay đổi trong thế kỷ qua, nó vẫn vướng phải một số vấn đề như chi phí tốn kém và ngốn xăng, không nhanh nhẹn trên chiến trường như các phương tiện bọc thép khác, ví dụ như xe chiến đấu Bradley.

Nguyên mẫu AbramX, xe tăng thế hệ tiếp theo của quân đội Mỹ.
(Ảnh: WashingtonPost)

Tim Reese, giám đốc phát triển kinh doanh thị trường Mỹ của General Dynamics cho biết, những năm gần đây, nhà thầu quân sự này đã cố gắng giải quyết những vấn đề trên. Công ty cũng không tiết lộ giá thành của chiếc AbramX thế hệ mới do vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Theo General Dynamics, mẫu xe tăng mới có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 10 tấn so với các mẫu xe tăng hiện tại đang trong biên chế. Trong khi đó, động cơ lai điện giúp tiết kiệm hơn 50% với các mẫu Abram tiền nhiệm đang được quân đội Mỹ sử dụng, vốn có mức tiêu thụ 1 gallon/dặm (4,5 lít nhiên liệu cho quãng đường 1,6 km).

Về thiết kế, Abram thế hệ mới sẽ có thay đổi khi vị trí người lính trong tháp pháo sẽ chuyển xuống dưới thân xe. Các nhà phát triển cho hay, mẫu xe có thể hoạt động chỉ với kíp lái gồm 3 người, ít hơn 1 người so với bình thường. AbramX cũng được tăng cường lớp giáp bảo vệ khỏi bom tấn công từ máy bay không người lái.

Ngoài ra, nâng cấp lớn của xe tăng phải kể đến hệ thống phần mềm. Một hệ thống AI sẽ được tích hợp sử dụng để phát hiện các mối nguy hiểm từ xa, có thể lên tới vài dặm khi xác định 90% đó là mối đe doạ. AbramX cũng có thể liên lạc với những thiết bị máy bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, dò tìm mối nguy hiểm phía trước.

Trong tình huống giao tranh, AI trên xe có thể ưu tiên danh sách mục tiêu khi gặp nhiều kẻ thù. Dù vậy, cỗ máy này sẽ không tự động tiêu diệt kẻ thù, Reese lưu ý. 

“Người điều hành, chỉ huy chiếc xe, sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nổ súng tiêu diệt mục tiêu hay không”, đại diện General Dynamics cho hay.

Giới chuyên gia quân sự nhận định AbramX là một bước tiến lớn với chương trình xe tăng của quân đội Mỹ, nhưng nó sẽ đối mặt với nhiều thách thức để đạt được sự đồng thuận từ những người đứng đầu Lầu Năm Góc, khi cuộc chiến tại Ukraine đang cho thấy có thể vai trò của những cỗ máy này không còn hữu dụng trên chiến trường.

Mặt khác, đối thủ chiến lược chủ chốt của Mỹ là Trung Quốc, lại đang tập trung phát triển sức mạnh hải quân và không quân, chứ không phải xe tăng.

Thế Vinh (Theo WashingtonPost)