Theo tuyên bố chung, các quốc gia ASEAN và Mỹ đã họp nhân Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, lần đầu tiên được tổ chức tại Washington, D.C., ngày 12-13/5. Các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc, các giá trị và chuẩn mực chung được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN và những tuyên bố về hòa bình, hợp tác.

ASEAN và Mỹ nhấn mạnh về sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, kể từ cuộc đối thoại đầu tiên tại Manila vào năm 1977; và ngày càng phát triển khi hai bên ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác; thành lập phái đoàn ngoại giao của Mỹ tại ASEAN; và tới Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.

Quang cảnh Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hai bên tái khẳng định cam kết chung về tăng cường và xây dựng Quan hệ Đối thoại ASEAN-Mỹ toàn diện hơn nữa, vốn từ lâu đã đóng vai trò thiết yếu đối với ASEAN và Mỹ, cũng như rộng hơn là đối với khu vực và cộng đồng quốc tế, nhằm tiếp tục thúc đẩy và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực; đảm bảo mối quan hệ (ASEAN-Mỹ) có khả năng ứng phó với các thách thức mới; và hợp tác phù hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà ASEAN và Mỹ cùng là thành viên.

Mỹ và ASEAN quyết định sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện "có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi" tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 10 vào tháng 11/2022. Hai bên trông đợi sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết. Hiện ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Australia và Trung Quốc vào cuối năm 2021.

ASEAN và Mỹ tiếp tục cùng nhau ứng phó đại dịch Covid-19, xây dựng an ninh y tế tốt hơn và phục hồi. "Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của ASEAN về phục hồi sau đại dịch và an ninh y tế bằng cách tăng cường các hệ thống và năng lực y tế quốc gia và khu vực, như thông qua sáng kiến Tương lai Y tế ASEAN-Mỹ; và cam kết hỗ trợ tài chính toàn cầu đầy đủ, mạnh mẽ hơn và bền vững dành cho phòng chống, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch, bao gồm hỗ trợ các nỗ lực hiện tại của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới", tuyên bố nêu.

Hai bên cam kết mở rộng năng lực sản xuất bền vững các dược phẩm thiết yếu của địa phương và khu vực, bao gồm thông qua việc chuyển giao chuyên môn trên cơ sở các điều khoản tự nguyện và cùng nhất trí về hỗ trợ kỹ thuật....

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về kinh tế, hai bên tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, bao trùm hơn, và phát triển bền vững, bao gồm thông qua triển khai Thỏa thuận khung ASEAN-Mỹ về Thương mại và Đầu tư, và Chương trình làm việc về các Sáng kiến hợp tác Kinh tế mở rộng, và thông qua sự tham gia kinh tế quan trọng của Mỹ trong khu vực. 

ASEAN và Mỹ tiếp tục hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư, và tạo điều kiện nâng cao tự cường các chuỗi cung ứng toàn cầu và kết nối khu vực không bị gián đoạn, bao gồm dành cho các mặt hàng thiết yếu như thiết bị y tế, dược phẩm, vắc xin, thực phẩm và các sản phẩm nông sản, hàng hóa, sản phẩm công nghệ cao, và các nguồn cung và dịch vụ thiết yếu khác, góp phần vào phục hồi và tự cường kinh tế bền vững trong khu vực.

Nỗ lực làm sâu sắc hợp tác kết nối giao thông, bao gồm đường bộ, hàng không, hàng hải và trong các chương trình tạo thuận lợi cho giao thông nhằm đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ các công nghệ mới nổi, trong đó có xe điện. 

Ngoài ra, Mỹ cam kết cải thiện năng lực an ninh mạng, nâng cao trình độ và bao trùm số cho ASEAN; và tăng cường các khuôn khổ và chính sách để thúc đẩy năng suất, đổi mới sáng tạo, thông tin truyền thông...

Về an ninh trên biển, hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực biển thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Tuyên bố chung nêu: "Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, và bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không và các quyền sử dụng hợp pháp khác các vùng biển như đã khẳng định trong UNCLOS 1982, và thương mại trên biển hợp pháp và không bị cản trở cũng như không quân sự hóa và tự kiềm chế tiến hành các hoạt động. 

Chúng tôi công nhận các lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thiết thực có thể giảm căng thẳng, nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm nâng cao lòng tin và tin cậy giữa các bên. Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982". 

Mỹ và ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) 2002. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng tôi hoan nghênh các tiến triển hướng tới sớm đạt được COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Hai bên cam kết đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, trao quyền cho thanh niên và các nhóm người dễ bị tổn thương hoặc bị thiệt thòi, và tăng cường kết nối người dân hai bên, trong đó có hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, kỹ năng số, Giáo dục Đào tạo Kỹ thuật Nghề nghiệp và Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học...
 
Tận dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hai bên cam kết tiếp tục nghiên cứu hợp tác trong các lĩnh vực cùng có lợi như sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ chuỗi khối, thúc đẩy thương mại, dịch vụ điện tử, dịch vụ tài chính số và kết nối thanh toán trong khu vực, các công nghệ mới và mới nổi phù hợp với các hiệp định và khuôn khổ liên quan của ASEAN.

Mỹ cam kết hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng số của ASEAN, thúc đẩy phát triển các hệ sinh thái công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới 5G an ninh, an toàn, mở, tương tác, tin cậy, bao trùm và tự cường, và tìm kiếm các biện pháp tăng cường hợp tác về kinh tế số, phát triển thành phố thông minh, bền vững, và các công nghệ mới nổi.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đẩy mạnh quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng của ASEAN trong nâng cao sức chống chịu thiên tai và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, gia tăng lũ lụt, hạn hán và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Mỹ ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì khu vực Đông Nam Á là một khu vực phi vũ khí hạt nhân và không có tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.

Hai bên tiếp tục quan ngại sâu sắc về khủng hoảng tại Myanmar. Hai bên nhắc lại cam kết đối với hoà bình và ổn định trong khu vực và tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar.

Vấn đề ở Ukraine được đưa vào cuối tuyên bố, trong đó các nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ một nước.

Thành Nam

Tổng thống Joe Biden: 'Kỷ nguyên mới' trong quan hệ ASEAN - Mỹ

Tổng thống Joe Biden: 'Kỷ nguyên mới' trong quan hệ ASEAN - Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định như vậy trong cuộc họp Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ lần đầu tiên tổ chức tại Washington hôm thứ sáu (13/5, giờ địa phương).
Tổng thống Joe Biden chào đón lãnh đạo ASEAN, thông báo hỗ trợ 150 triệu USD

Tổng thống Joe Biden chào đón lãnh đạo ASEAN, thông báo hỗ trợ 150 triệu USD

Hôm 12/5 (giờ địa phương), ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, Nhà Trắng thông báo sẽ hỗ trợ ASEAN 150 triệu USD cho các sáng kiến, bao gồm an ninh hàng hải và năng lượng sạch.
Thủ tướng mong Mỹ hợp tác với ASEAN đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông

Thủ tướng mong Mỹ hợp tác với ASEAN đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nước lớn, trong đó có Mỹ, hợp tác với ASEAN đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.