Lời tòa soạn

Khi bị đồng tiền làm lóa mắt, thì nhiều quan chức Trung Quốc sẵn sàng ‘nhúng chàm’ và lợi dụng quyền lực có trong tay để trục lợi. Cách thức nhận hối lộ của các vị quan 'khát tiền' này dù tinh vi đến đâu thì cuối cùng cũng bị phanh phui. Dưới đây là quá trình sa lưới pháp luật của một số quan tham Trung Quốc:

Bộ phim tài liệu phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) có tựa đề “Tiếp tục nỗ lực, tiến bộ sâu rộng” gần đây đã hé lộ những thủ đoạn nhận hối lộ, móc nối doanh nghiệp để làm giàu trong 20 năm của ba cựu lãnh đạo công an tỉnh Liêu Ninh là Lý Văn Hỉ, Tiết Hằng và Vương Đại Vỹ.

tqqqqqwqwqw 1.jpg
Từ trái qua: Lý Văn Hỉ, Tiết Hằng và Vương Đại Vỹ. Ảnh: CCTV

Lý Văn Hỉ nắm giữ chức Giám đốc công an tỉnh Liêu Ninh từ năm 2002-2011, trước khi bị điều tra tham nhũng, được nhiều người nhận xét là “cảnh sát kỳ cựu, với 42 năm kinh nghiệm trong ngành, từng phá nhiều chuyên án lớn và giành được thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm”. Nhưng khi có quyền lực trong tay, Lý dần sa ngã và từ một người thực thi pháp luật trở thành kẻ phạm pháp.

“Trong lúc thẩm vấn, Lý tự hào về bản thân khi luôn miệng nói đã ‘làm công an suốt một đời; tận tụy với công việc trong hai đời; đắc tội với người khác trong ba đời’. Khi đó, tổ trưởng đội điều tra nói rằng Lý đã ‘tham tiền trong bốn đời và phạm tội trong năm đời’. Lý nghe xong không nói thêm gì nữa, chỉ đành cúi đầu nhận tội”, điều tra viên CCDI Tôn Dĩnh kể.

Khi đương chức, Lý nhận hối lộ 541 triệu Nhân dân tệ (1.852 tỷ VND). Phần lớn số tiền trên đến từ một chủ mỏ sắt tại tỉnh Liêu Ninh tên là Lưu Chí Đình. Công ty của Lưu từng nhiều lần bị cơ quan công an tỉnh Liêu Ninh điều tra vì liên quan tới hoạt động khai thác trái phép. Mỗi lần bị điều tra, Lưu lại dùng tiền nhờ Lý giúp mình giải quyết mọi chuyện.

tqqqqqwqwqw 2.jpg
Lý Văn Hỉ kể lại việc giúp chủ mỏ sắt Lưu Chí Đình thoát tội. Ảnh: CCTV

“Tôi đã gặp gỡ đội trưởng tổ điều tra khi đó là Ngô Cảnh Quý, và nói anh ấy hãy giải quyết trường hợp Lưu ‘nhẹ nhàng nhất có thể’. Tổ điều tra cứ vậy mà làm theo ý kiến của tôi, nên Lưu Chí Đình tránh được việc bị truy tố”, Lý Văn Hỉ nói. 

Theo CCDI, Lưu Chí Đình sau nhiều lần được giúp đỡ đã đề nghị biếu Lý 30% cổ phần ở một mỏ sắt. Lý sắp xếp cho người thân thay ông ta nhận số cổ phần trên, trong khi bản thân ở phía sau điều hành mọi việc, trở thành “một chủ mỏ sắt mặc cảnh phục”.

tqqqqqwqwqw 3.jpg
Một góc mỏ sắt liên quan tới vụ án của Lý Văn Hỉ. Ảnh: CCTV

Đến năm 2011, Lý nghỉ hưu và Tiết Hằng trở thành Giám đốc công an tỉnh Liêu Ninh. Trước khi nghỉ, Lý không chỉ giúp Tiết thu nhiều lợi ích trong giao dịch ngầm với các doanh nghiệp, mà còn dạy cho ông này cách lạm dụng quyền lực để trục lợi khi thực thi pháp luật.

Dù chỉ nắm chức vụ từ năm 2011-2013, nhưng Tiết nhiều lần sử dụng quyền lực trong tay để giúp đỡ các doanh nghiệp tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật; điều hành kinh doanh ngầm; nhúng tay vào nhiều hợp đồng ký kết dự án ở tỉnh Liêu Ninh...

tqqqqqwqwqw 4.jpg
Tiết Hằng. Ảnh: CCTV

“Tiết có một người bạn tên Bạch Ngọc Thần, là chủ doanh nghiệp. Trong tổng số 135 triệu Nhân dân tệ (462,3 tỷ VND) mà Tiết nhận hối lộ, riêng Bạch biếu cho ông ta hàng chục triệu Nhân dân tệ. Tiết muốn nhà có nhà, muốn tiền có tiền, muốn xe có xe đều do Bạch biếu tặng. Điều này khiến Tiết thấy được giá trị chức vụ của mình”, điều tra viên CCDI Tôn Dĩnh nhận xét.

Tới năm 2013, Vương Đại Vỹ trở thành lãnh đạo công an tỉnh Liêu Ninh. Nối tiếp những người tiền nhiệm, Vương thường gặp gỡ nhiều doanh nhân ở Liêu Ninh để bàn bạc cách giải quyết những vấn đề dính dáng tới pháp luật trong quá trình các doanh nghiệp hoạt động. 

tqqqqqwqwqw 5.jpg
Vương Đại Vỹ. Ảnh: CCTV

Lấy vụ Vương từng chạy án giúp Tập đoàn sản phẩm nhôm đúc ép công nghiệp Trung Vượng làm ví dụ. Trong 555 triệu Nhân dân tệ (1.901 tỷ VND) mà Vương nhận hối lộ, hơn nửa tới từ Chủ tịch Tập đoàn Trung Vượng Lưu Trung Điền. 

Vào năm 2017, vụ việc vi phạm pháp luật có dính líu tới Tập đoàn Trung Vượng bị lôi ra ánh sáng, khiến một phó chủ tịch tập đoàn bị bắt. Lưu Trung Điền lo nếu phía công an tiếp tục điều tra thì bản thân bị liên lụy, nên ông này thông qua người trung gian nhờ Vương “hãy xử lý vụ việc nhẹ nhàng, và đừng điều tra thêm”.

tqqqqqwqwqw 6.jpg
Lưu Trung Điền. Ảnh: CCTV

Sau khi vụ việc được giải quyết êm đẹp, Vương yêu cầu gặp mặt Lưu Trung Điền. Lưu trong lần đầu gặp đã biếu Vương 40 triệu Nhân dân tệ (137 tỷ VND) và 4 triệu USD (98 tỷ VND). “Số tiền đó chứa trong 22 hòm, khiến cho chiếc xe được Vương dùng để chở tiền không thể leo lên dốc ở hầm gửi xe. Trong vài tháng sau đó, Lưu biếu thêm cho Vương Đại Vỹ 200 triệu HKD (gần 630 tỷ VND)”, nhân viên CCDI Khâu Văn Tiên nói.

Theo CCTV, Lý Văn Hỉ, Tiết Hằng và Vương Đại Vỹ lần lượt bị các cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc điều tra và khởi tố trong các năm 2021, 2022 và 2023.