LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng. 

Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.

Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".

Chuyển đổi số cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhất là các công nghệ mới như AI đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động báo chí cũng như công tác quản lý báo chí. Để độc giả có thêm góc nhìn, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam về quản lý báo chí trong thời đại số.

quan ly bao chi so   chuyen gia RMIT 1.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Trong bối cảnh nhiều hoạt động đã chuyển lên không gian mạng, ông đánh giá thế nào về vai trò của công nghệ số với báo chí và công tác quản lý báo chí?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long: Với sự phát triển của công nghệ số, báo chí trên thế giới nói chung và ở Việt Nam đang thay đổi to lớn và toàn diện.

Để cạnh tranh với các nguồn tin phi chính thống trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí đã nhanh chóng trong việc cập nhật tin tức theo thời gian thực nhờ các công cụ số, thu thập và xử lý thông tin di động ngày càng hiện đại và phổ biến; đồng thời, tăng cường tương tác với bạn đọc, công chúng qua nhiều nền tảng số đa dạng.

Việc báo chí phát triển và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số đang tạo ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý. Cách quản lý truyền thống - kiểm duyệt nội dung, tuyến bài trở nên khó khăn hơn do nội dung được tạo ra dễ dàng, nhanh chóng mà nhiều khi chưa được biên tập kỹ.

Mặt khác, việc xác minh tính xác thực của thông tin trên Internet với thời đại AI đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn, trong khi tốc độ lan truyền thông tin ngày càng nhanh. Điều này cũng ảnh hưởng tới uy tín báo chí và cơ quan quản lý.

quan ly bao chi so.jpg
Chuyên gia RMIT Việt Nam nhấn mạnh: Với sự phát triển của công nghệ số, báo chí trên thế giới nói chung và ở Việt Nam đã có sự thay đổi to lớn và toàn diện. Ảnh minh họa: Unsplash

Một vấn đề nữa với cơ quan quản lý là việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, bản quyền nguồn tin cũng gặp nhiều khó khăn do việc chia sẻ và sao chép nội dung diễn ra rất nhanh chóng. Và việc gỡ thông tin (nếu có vi phạm) cũng là “chuyện đã rồi”, do nội dung đã được truyền tải và xem bởi nhiều người.

Thực tế cho thấy, không ít cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc cập nhật các kiến thức, công nghệ và áp dụng luật phù hợp. Sự phát triển quá nhanh của công nghệ đòi hỏi nhân sự quản lý cần cập nhật kịp thời các kỹ năng cần thiết để hiểu và hoạt động trong môi trường kỹ thuật số, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh mạng, bảo mật thông tin và tin giả.

Vậy cơ quan quản lý cần và nên áp dụng công nghệ số thế nào để đảm bảo nội dung báo chí, đảm bảo tuyên truyền hiệu quả và cũng hấp dẫn được công chúng, thưa ông?

Về mặt cơ quan quản lý, có 2 việc quan trọng nhất là nâng cao năng lực kiểm duyệt để chống tin giả cũng như những thông tin không phù hợp, và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của truyền thông báo chí thời đại mới.

Đầu tiên, tương tự các cơ quan báo chí, việc nâng cao năng lực quản lý có thể được thực hiện qua ứng dụng các công cụ số tự động để phát hiện và cảnh báo tin giả, dán nhãn các tin tức của cơ quan báo chí phát hành sai sự thật hay định hướng dư luận không có mục đích đạo đức rõ ràng.

Các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng mạng lưới chuyên gia không chỉ trong ngành truyền thông, mà còn trong các lĩnh vực khoa học máy tính, CNTT ứng dụng, lập trình, hay chuyên gia mạng, mạng xã hội. Với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia, cơ quản lý có thể kiểm tra và kiểm duyệt các thông tin tốt hơn, từ đó phát triển môi trường báo chí lành mạnh và có uy tín cao.

Song song đó, cán bộ của các cơ quan quản lý cần được tăng cường bồi dưỡng kiến thức công nghệ. Các khóa đào tạo chuyên sâu đến từ các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu có thể giúp người làm quản lý hiểu hơn về cách vận hành, phát triển các kỹ năng để sử dụng được những công cụ phân tích dữ liệu, xử lý thông tin và nội dung báo chí, từ đó có thể ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý.

Tôi cho rằng, đảm bảo cả 2 việc trên sẽ giúp cho các cán bộ, chuyên viên hiểu hơn về xu hướng báo chí và cách vận hành trong thời đại mới. Từ đó, giảm thiểu tâm lý lo sợ làm sai, dẫn tới kiểm duyệt quá mức, gây hạn chế sự phát triển lành mạnh của báo chí chính thống trong thời đại kỹ thuật số, đồng thời đảm bảo việc báo chí chính thống là chỗ dựa cung cấp thông tin đáng tin cậy, chính xác tới công chúng.

Là chuyên gia về truyền thông chuyên nghiệp, ông có đề xuất gì để báo chí số Việt Nam phát triển mạnh, vừa quản lý tốt, vừa thúc đẩy sáng tạo nội dung?

Để tạo sức mạnh của báo chí chính thống, các cơ quan báo chí cần có sự kết hợp trong việc hoạt động, thu thập và phân tích dữ liệu bạn đọc trên cơ sở dữ liệu lớn, phân phối, chia sẻ và lưu trữ thông tin.

Tối ưu hóa nguồn lực về tin tức từ phóng viên, cộng tác viên, nhà báo nhân dân, người ảnh hưởng. Từ đó, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thương mại hóa quá mức, dẫn tới sự kém hiệu quả tuyên truyền, mất uy tín ở một vài đơn vị, và ảnh hưởng tới toàn bộ ngành báo chí truyền thông chính thống. Điều này cũng giúp tránh được tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải về công nghệ, cơ sở vật chất, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực của mọi người.

W-nen tang ket noi bao chi truyen thong Hue 2.jpg
Tại Việt Nam, nhiều công cụ, giải pháp công nghệ đã và đang được các cơ quan quản lý áp dụng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý báo chí. Ảnh Sở TT&TT Thừa Thiên Huế kết nối các báo trên địa bàn qua Hue-S: V.Sỹ

Để đạt được điều đó, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện khung pháp lý về báo chí số, xây dựng mạng lưới các cơ quan báo chí nhằm phục vụ việc hợp tác, trao đổi giữa các nhà báo, chuyên gia và công chúng, thúc đẩy quá trình chia sẻ và sáng tạo nội dung báo chí.

Từ đó, đảm bảo được quyền lợi, chức năng, nhiệm vụ quan trọng về mặt tuyên truyền của các cơ quan báo chí chính thống và nhà báo trong môi trường kỹ thuật số. Đồng thời, cũng khuyến khích sự tham gia đóng góp vào nội dung của báo chí chính thống thông qua hệ sinh thái và mạng lưới nhà báo nhân dân, người nổi tiếng, công chúng.

Theo ông, mô hình quản lý hội tụ nên như thế nào cho phù hợp?

Với sự phát triển của công nghệ số, hoạt động báo chí không chỉ gói gọn trong việc cung cấp thông tin, mà còn ở việc phải tận dụng công nghệ như thế nào để tăng cường việc trải nghiệm người dùng, thu hút sự quan tâm của công chúng, dựa vào công nghệ mở rộng phạm vi tiếp cận với nhiều người khác và nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí tuyên truyền.

Tuy nhiên, việc các bộ, ban, ngành quản lý khác nhau, chồng chéo về luật lệ, khác biệt về cách thức quản lý đóng - mở sẽ làm hạn chế việc báo chí thực hiện nhiệm vụ của mình. Vì thế, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí số đòi hỏi một cơ chế quản lý thống nhất, toàn diện về nội dung, hạ tầng, công nghệ và an ninh mạng.

Việc kết hợp các cơ quan chức năng lại với nhau sẽ giúp tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển hạ tầng, xây dựng, phát triển báo chí và công nghiệp văn hóa, bao gồm việc sản xuất nội dung số lành mạnh và thúc đẩy các giá trị văn hóa tích cực trong môi trường số.

Xin cảm ơn ông!