Hành trình rời Nhật sang Việt Nam lập nghiệp

Doanh nhân trẻ Taku Tanaka đã có một hành trình thú vị khi rời bỏ môi trường văn phòng ở Nhật Bản để rồi sau đó thành lập nên một startup nền tảng số tại Việt Nam.

Sau 3 năm làm việc trong ngành chứng khoán, Taku Tanaka đã đưa ra một quyết định táo bạo, nghỉ việc và thực hiện một chuyến hành trình du lịch khám phá Đông Nam Á, kết hợp với tìm kiếm cơ hội kinh doanh. 

Tại Việt Nam, sau khi thử sức với vai trò giám đốc vận hành cho một chuỗi nhà hàng, anh nhận thấy tồn tại một khoảng trống lớn trong hạ tầng chuỗi cung ứng ngành thực phẩm và đồ uống. 

W-kamereo-2-1.jpg
Taku Tanaka - nhà sáng lập 8X của startup thương mại điện tử Kamereo. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với VietNamNet, anh cho biết, đa số nhà cung cấp thực phẩm cho các doanh nghiệp F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam là các hộ kinh doanh gia đình. Họ hoạt động với quy mô nhỏ, lấy hàng từ các chợ lớn rồi cung cấp lại. 

Điều này dẫn đến việc chất lượng hàng hóa không ổn định, giá cả biến động, chậm trễ giao hàng, thâm hụt hàng hóa. Đặc biệt, các hộ kinh doanh gia đình thường không cung cấp được các giấy tờ cần thiết, cụ thể là hóa đơn đỏ.

Việt Nam thiếu một nền tảng "tất cả trong một" để phục vụ ngành F&B. Mỗi doanh nghiệp phải vật lộn làm việc với nhiều nhà cung cấp nhỏ, dẫn đến khó khăn trong việc tìm nguồn cung sản phẩm bền vững”, Taku Tanaka nói.

Thấy được tiềm năng từ bài toán khó giải đó, Taku Tanaka đã quyết định thành lập Kamereo, một nền tảng bán sỉ rau củ qua website và ứng dụng di động với trụ sở đặt tại TP.HCM. Startup Make in Viet Nam định vị bản thân là một nền tảng thương mại điện tử được thiết kế để phục vụ riêng cho các doanh nghiệp F&B. 

W-kamereo-startup-4-1.jpg
Khâu kiểm tra nông sản trước khi giao đến các doanh nghiệp F&B. Ảnh: NVCC

Tham vọng xuất khẩu nền tảng Việt ra thế giới

Sau 6 năm khởi nghiệp tại Việt Nam, Kamereo hiện có quy mô hơn 200 nhân sự với Taku Tanaka là người nước ngoài duy nhất. 

Startup này vừa hoàn thành vòng gọi vốn Pre Series B trị giá 2,1 triệu USD từ Reazon Holdings, Quest Ventures và ông Thoru Yamamoto (CEO FOODISON). Tổng số tiền mà Kamereo huy động từ các nhà đầu tư hiện đã cán mốc 7,2 triệu USD. 

Hiện Kamereo đã có mặt tại TP.HCM, Bình Dương và đang chuẩn bị mở rộng sang Hà Nội. Startup này cũng đang cân nhắc ý định thâm nhập thị trường Campuchia trong tương lai do có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. 

W-kamereo-startup-1-1.jpg
Nhân viên ship hàng trong chuỗi cung ứng hậu cần của Kamereo. Ảnh: NVCC

Theo Taku Tanaka, ngay từ những ngày đầu thành lập, Kamereo đã tập trung vào việc phát triển đội ngũ kỹ thuật để tự làm chủ các giải pháp công nghệ.

Chúng tôi đầu tư vào ứng dụng di động và website để hỗ trợ việc đặt hàng, ngoài ra còn hệ thống quản lý kho, cho phép truy xuất nguồn gốc và kiểm tra mọi khía cạnh của sản phẩm”, anh cho biết.

Kamereo cũng hướng đến việc tự phát triển mọi thứ bằng nguồn lực nội bộ khi mở trung tâm thu gom rau củ tại Đà Lạt và tự phát triển khâu hậu cần trung chuyển từ vùng sản xuất đến trung tâm điều phối cuối cùng tại TP.HCM. Startup thương mại điện tử này hiện phục vụ cho khoảng 3.000 doanh nghiệp với hơn 1.500 sản phẩm.

Khi được đặt câu hỏi “Kamereo là công ty Nhật Bản hay Việt Nam?” Taku Tanaka trả lời: “Chúng tôi là một công ty Việt Nam với tinh thần Nhật Bản. Kamereo tập trung chính vào thị trường Việt Nam, vì vậy, chúng tôi xem mình là một công ty địa phương”.

Tuy nhiên, doanh nhân 8X cũng cho hay: “Tôi luôn đưa những yếu tố tinh thần làm việc Nhật Bản vào đội ngũ của mình để nuôi dưỡng tư duy phù hợp với việc kinh doanh bền vững và lâu dài. Điều này lấy cảm hứng từ các giá trị văn hóa kinh doanh Nhật Bản như tính chính trực, tinh thần đồng đội, và kaizen (sự cải tiến liên tục)”.