- Mỗi sáng đầu tuần, cô giáo mở đầu buổi học với học sinh bằng lời nhắc nhở, phải học thật giỏi, nhất là lo học tiếng Anh, vì mức độ hội nhập ngày càng lớn.
Khó tìm DN Việt để chơi
Thông tin từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay có hơn 10.000 đại diện DN các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đến thăm dò thị trường Việt Nam.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, các DN ASEAN đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng và đang chủ động tìm kiếm thông tin, cơ hội chứ không chờ đợi đến thời điểm Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức khởi động.
Các DN ASEAN đã khảo sát rất kỹ lưỡng thị trường Việt Nam, từ các kênh bán lẻ, cho đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ ở từng địa phương... và tìm kiếm các DN Việt Nam để hợp tác, liên doanh, liên kết, hoặc thâu tóm.
Các DN ASEAN đã khảo sát rất kỹ lưỡng thị trường Việt Nam, từ các kênh bán lẻ, cho đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN. |
Thế nhưng, theo ông Nam, từ phía DN nhỏ và vừa Việt Nam lại rất thiếu thông tin và sự chuẩn bị cần thiết, nhiều DN khi được hỏi, còn không biết sản phẩm nào sẽ phải chịu thuế thế nào, hàng rào kỹ thuật ra sao trong hội nhập.
Và có một thực tế là rất nhiều DN ngoại khó tìm được DN Việt đủ tầm để chọn làm đối tác dài hạn
Số liệu điều tra về nhận thức và sự quan tâm của DN đến AEC ở các quốc gia ASEAN, do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore (ISEAS) công bố năm 2014, cho thấy có 76% DN Việt Nam không biết gì về AEC. Đặc biệt có tới 94% DN không biết về Biểu đánh giá thực hiện AEC (AEC Scorecard). Các DN được hỏi cũng không hiểu rõ những cơ hội, thách thức khi Việt Nam tham gia vào AEC năm 2015. Có đến 63% DN cho rằng AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc kinh doanh của mình. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các quốc gia ASEAN.
CLB Doanh nhân Sài Gòn - ASEAN (SABC) mới công bố kết quả khảo sát cho thấy, có gần 80% DN Việt chưa biết gì nhiều về AEC. Đa phần các DN vừa và nhỏ rất mù mờ về AEC. Có DN còn cho biết họ có hướng kinh doanh riêng nên không quan tâm AEC hay WTO và cho rằng đó là việc của Chính phủ!
Một số DN tự nhận họ có rất ít thông tin và lúng túng khi tìm hiểu lộ trình xây dựng AEC. Nói tóm lại DN vẫn loay hoay tìm kiếm thông tin. Nhận thức còn hạn chế như vậy sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC, như ưu đãi về thuế quan, về thủ tục hải quan, sự công nhận lẫn nhau đối với một số ngành, các ngành được ưu tiên trong ASEAN...
Thế hệ mới đón đầu cơ hội
Một doanh nhân làm du lịch ở Sài Gòn kể, trong 1 lần sang Campuchia ghé nhà hàng Tuk Day, gần chợ đêm Siem Reap, gặp một em bé Khmer đang làm thêm. Vị doanh nhân khá bất ngờ về khả năng tiếng anh của em và càng bất ngờ hơn khi tâm sự: "Mỗi sáng đầu tuần, cô giáo luôn mở đầu buổi học với học sinh bằng lời nhắc nhở, phải học thật giỏi, nhất là lo học tiếng Anh, vì năm sau là mở cửa thị trường lao động ASEAN".
Phải học thật giỏi, nhất là lo học tiếng Anh, vì năm sau là mở cửa thị trường lao động ASEAN. |
Vị doanh nhân chia sẻ, anh hết sức bất ngờ bởi em này chỉ đang học lớp 11, đen nhẻm, gầy ốm, tóc khét nắng. Trong khi đó về Việt Nam hỏi khá nhiều học sinh lớp 11, nhưng chẳng em nào biết gì về AEC cả vì nhà trường chẳng ai dạy.
Ở Thái Lan, Chính phủ đã tập trung chuẩn bị cho các DN chi tiết 12 lĩnh vực. Từ cơ sở hạ tầng và hậu cần, đến nguồn vốn hỗ trợ DN vừa và nhỏ đầu tư vào ASEAN... Các DN Thái thời gian qua đã đẩy mạnh hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển kinh doanh theo cụm, nâng cao hợp tác giữa trong chuỗi giá trị, tìm kiếm đối tác trong AEC để kinh doanh và đầu tư.
Cách đây một năm, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT Việt Nam sang Thái Lan thăm một trang trại trồng dưa hấu. Hỏi chủ trang trại đó biết gì khi AEC hình thành vào năm 2015, chủ trang trại trả lời đã biết cách đây hai năm rồi. Tại Thái Lan, nông dân hiểu rành về AEC nên họ có sự chuẩn bị nâng cao chất lượng, giữ giá cả cạnh tranh.
Ông Arthit Wuthikaro, Cục trưởng Cục Xúc tiến, Bộ Công nghiệp Thái Lan, cho biết, Chính phủ Thái Lan kỳ vọng Thái Lan sẽ trở thành trung tâm của ASEAN và phân phối hàng hóa, dịch vụ cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.
Mặc dù chuẩn bị rất kỹ càng, vậy nhưng DN Thái dường như chưa hài lòng và vẫn tự cho mình thất bại.
Ông Suchat Sawetkamon, Giám đốc Công ty Research and Economic Development the Trade and Investment (Thailand - Vietnam) cho biết, tại Việt Nam lâu nay, hàng tiêu dùngThái Lan vẫn được tin tưởng vì chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, Việt Nam là một trường hợp thất bại "điển hình và đau lòng" trong xúc tiến thị trường của Thái Lan. Nhìn vào các kệ hàng trong siêu thị, các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, thấy sản phẩm "made in Thailand" chưa nhiều. Đây là bài học lớn của người Thái về sự chủ quan, không chăm sóc thị trường sau khi gây dựng được thương hiệu.
Tuy nhiên, các DN Thái có lẽ đang mừng thầm khi nhận thấy, hầu hết các DN Việt Nam có quy mô nhỏ, gặp thách thức lớn trong việc làm ra sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý và ít kinh nghiệm marketing, quản lý. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho hàng hóa từ Thái Lan nói riêng và ASEAN nói chung dễ dàng đánh bại hàng Việt Nam.
Trần Thủy