Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT sáng 5/5, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, các doanh nghiệp đã xác định có hơn 3,8 triệu thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có dấu hiệu thông tin không đúng quy định. 

Sau hơn 1 tháng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao, số liệu mới nhất cho thấy, đến hết ngày 4/5, hiện vẫn còn hơn 1 triệu thuê bao đang bị khóa 2 chiều. "Đến ngày 15/5 tới, nếu chủ các thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin, tập thuê bao này sẽ bị thu hồi theo quy định tại Nghị định 49/2017”, ông Nguyễn Thành Phúc nói. 

Trong tháng 5 và 6, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng với sự tham gia của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm thông tin thuê bao trên điện thoại. 

Người dùng mua bán SIM tại một cửa hàng trên phố Kim Mã, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Trước những câu hỏi của phóng viên về các biện pháp xử lý cuộc gọi rác, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ TT&TT sẽ thực hiện 6 biện pháp để khắc phục tình trạng này.   

Cục Viễn thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, hay còn gọi là SIM rác. Ngăn chặn và xử lý vi phạm liên quan đến cuộc gọi quảng cáo vào số điện thoại thuộc danh sách không quảng cáo.

Bên cạnh đó, Cục Viễn thông sẽ triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ cung cấp cho người sử dụng các công cụ để họ chủ động ngăn chặn từ thiết bị đầu cuối của mình. 

Ngày 17/4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo ông Nguyễn Thành Phúc, đây là cơ sở pháp lý để xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động của ngành TT&TT. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các vi phạm. 

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ TT&TT sẽ đôn đốc kiểm tra việc ngăn chặn, thu hồi các số điện thoại thực hiện cuộc gọi rác. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chống các cuộc gọi rác cũng đóng vai trò quan trọng. Để hạn chế cuộc gọi rác, người dân cần có ý thức về việc không cung cấp số điện thoại của mình trên môi trường mạng. 

Đồng thời với các biện pháp kể trên, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra xử lý các trạm BTS giả. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt tình trạng cuộc gọi rác hiện nay. 

Chia sẻ kỹ hơn về các nỗ lực của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ở bước tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên. 

Bộ TT&TT cần có thời gian thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra để khắc phục tình trạng này. Việc xử lý và tuyên truyền về một số vụ việc điển hình được kỳ vọng sẽ tác động mạnh tới nhận thức và góp phần răn đe các hành vi vi phạm. 

Các dịch vụ tương tự trên nền viễn thông hiện đang được quản lý chặt chẽ theo các quy định pháp luật. Với các dịch vụ OTT viễn thông hay viễn thông trên nền Internet, ví dụ như gọi truyền hình, nhắn tin OTT, Việt Nam hiện chưa có các quy định pháp luật quản lý. 

Quan điểm của Bộ TT&TT là dịch vụ có tính chất giống nhau sẽ quản lý giống nhau. Chính vì vậy, Cục Viễn thông đã đề xuất đưa quy định dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông vào dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi. Đây là hành lang pháp lý nhằm xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo trên các ứng dụng nhắn tin OTT.