Bộ Thông tin & Truyền thông (Bộ TT&TT) tích cực thúc đẩy nhà mạng chuẩn hóa thông tin thuê bao để xử lý vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Chính vì động thái quyết liệt này SIM rác đã giảm rất mạnh. Thống kê của Cục Viễn thông cho thấy hiện Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động, nhưng những SIM chưa chuẩn hóa thông tin chỉ còn lại khoảng 1,5 triệu SIM. Đây là cuộc cách mạng rất lớn trong việc giải quyết vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Tuy vậy, trên thị trường vẫn còn tình trạng SIM di động được bán tại các đại lý mà không cần đăng ký. 

Trong vai một người có nhu cầu mua SIM rác, PV VietNamNet đã tiếp cận với một đại lý bán SIM lớn nằm trên phố Lương Khánh Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội). Khi được hỏi về loại SIM dùng một lần, người bán cho biết cửa hàng có sẵn SIM của nhiều nhà mạng với các gói cước khác nhau. 

“SIM của Vina (nhà mạng VinaPhone) giá 165.000 đồng, mỗi ngày được 4GB data, cộng thêm tin nhắn và phút thoại. Loại SIM tương tự của Mobi (nhà mạng MobiFone) giá 180.000 đồng, rẻ nhất là SIM của Vietnamobile với giá 80.000 đồng, có ngay 300GB data/tháng”, người bán cho biết.

Một đại lý bán SIM kích hoạt sẵn trên phố Lương Khánh Thiện (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Trọng Đạt

Sau khi chọn xong gói cước, chủ đại lý cắm chiếc SIM card vào một thiết bị dạng bảng nhựa, nhỏ bằng bao diêm, có mạch dẫn nối với một chiếc điện thoại phổ thông (feature phone). Bằng vài thao tác, chỉ 5 phút sau, chiếc SIM thẻ đã được kích hoạt thành công. 

Khi được hỏi về việc có cần phải chụp hình hay xuất trình CMND/CCCD hay không, chủ đại lý cho biết, đây là loại SIM dùng một lần nên việc đăng ký là không cần thiết. 

Bằng cách tra cứu với tổng đài 1414, thông tin trả về sau đó cho hay, chiếc SIM này đã được đăng ký dưới tên chủ thuê bao “Nguyen Van Son”, sinh năm 1993. Ngày kích hoạt SIM được xác định là 21/3/2023, cách khá xa so với thời điểm SIM được bán ra từ đại lý. 

Tại một đại lý SIM thẻ khác ở Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), PV cũng dễ dàng mua SIM không cần đăng ký của một nhà mạng lớn với mức giá 150.000 đồng. Ở điểm bán này, chủ đại lý không dùng đến khay kích SIM. Người mua chỉ cần trả tiền là đã có SIM kích hoạt sẵn để sử dụng. Khi kiểm tra, đây cũng là SIM được người khác đứng tên đăng ký với thời điểm kích hoạt từ rất lâu trước đó. 

Tại một đại lý SIM thẻ trên phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, sau khi biết nhu cầu mua SIM của khách hàng, người bán hàng đã giới thiệu nhiều loại SIM khác nhau. Từ SIM của nhà mạng Viettel, VinaPhone, Vietnamobile, MobiFone… với mỗi loại SIM, người bán hàng đều giới thiệu các gói cước, ưu đãi khác nhau với giá thành từ 70 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/SIM, tùy từng nhà mạng. Sau khi đã chọn được số SIM, người bán yêu cầu khách thanh toán và nói: “Chỉ cần lắp SIM vào điện thoại là sử dụng nghe, gọi, truy cập Internet luôn!” 

Đúng như lời giới thiệu, những chiếc SIM còn mới nguyên, chưa bóc khỏi thẻ Card. Sau khi lắp vào điện thoại, khách hàng đã thực hiện được cuộc gọi ngay lập tức. Phóng viên đã thực hiện cuộc gọi điện thoại tới tổng đài của Vietnamobile bằng số thuê bao của chính nhà mạng này vừa được mua từ cửa hàng tại Kim Mã, nhân viên tổng đài đã kiểm tra hệ thống và cho biết, số điện thoại thuê bao này hiện được đăng ký đầy đủ thông tin nhưng dưới tên của người khác. 

Trước đây để tránh việc SIM rác bị đưa ra ngoài thị trường, đã có đưa ra quy định giới hạn mỗi người dân không được sở hữu quá 3 SIM trên một mạng di động. Tuy nhiên, sau này hạn chế trên đã bị bác bỏ do liên quan đến các quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản. Về lý thuyết mỗi người dân có thể đăng ký sử dụng không hạn chế số SIM. Tuy nhiên, khi chuyển sang người khác sử dụng phải làm thủ tục chuyển đổi. Đây được xem là kẽ hở dẫn tới tình trạng các đại lý SIM thẻ thuê sinh viên và lao động tự do đứng tên đăng ký hàng nghìn SIM để bán. Đây cũng là vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý làm sao ngăn chặn được những đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tung SIM rác ra ngoài thị trường. 

Theo thống kê của Bộ TT&TT hồi tháng 10/2022 có tới 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM trên cả nước. Cục Viễn thông cho rằng, thời gian qua, có thể vẫn còn tình trạng người dân không ý thức được việc bản thân họ lấy thông tin của mình đăng ký thuê bao rồi đưa cho người khác sử dụng, mà không thực hiện các thủ tục sang tên theo đúng quy định. Sau khi số SIM được đăng ký và đưa cho người khác sử dụng, rất có thể gặp trường hợp người dùng số điện thoại đó không có ý thức và lợi dụng việc này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Khi cơ quan chức năng tra cứu lại, họ sẽ tìm đến người đăng ký thông tin SIM chính chủ ban đầu. Lúc đó, các cơ quan pháp luật sẽ xử lý nghiêm những đối tượng này.  

Nhiều người đặt câu hỏi liệu sau khi kết thúc việc chuẩn hóa gần 4 triệu SIM thì có chấm dứt vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hay không. Chúng ta phải thẳng thắn rằng chưa thể dẹp tận gốc vấn nạn này khi tình trạng các đại lý thuê sinh viên, lao động tự do đăng ký hàng nghìn SIM để bán kiếm lời. Vì vậy, trách nhiệm đầu tiên của vấn đề này là việc nhà mạng có thẩm định, xem xét các yếu tố bất thường khi mà các đại lý thuê người đăng ký hàng nghìn SIM để bán. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng như Thanh tra chuyên ngành thông tin truyền thông, quản lý thị trường, công an có kiểm tra, xử lý các đối tượng bán SIM kích hoạt sẵn hay cả những người được thuê đứng tên đăng SIM hay không?  

 

SIM kích hoạt sẵn vẫn mua bán dễ dàng không cần đăng ký. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, để ngăn chặn vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo thì việc rà soát phát hiện các SIM không chính chủ, SIM chưa chuẩn hóa thông tin... phải làm thường xuyên. Bên cạnh đó, người dân cũng cần ý thức đến vấn đề xác thực của thông tin thuê bao để giúp họ thuận tiện hơn khi sử dụng các dịch vụ trên môi trường số.