Trao đổi với PV VietNamNet bên hành lang Quốc hội, đại biểu Tô Văn Tám, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra những nhóm cán bộ không làm việc, né trách nhiệm, đồng thời nêu giải pháp cho vấn đề này.

- Từ câu chuyện nghẽn giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính phải gửi 1 triệu tỷ đồng vào ngân hàng với lãi suất 0,8%/năm và trên diễn đàn Quốc hội tuần qua cũng nóng lên với vấn đề sợ, né trách nhiệm của cán bộ, công chức. Theo ông, những nhóm cán bộ nào thuộc diện không làm việc, né trách nhiệm?

Tình trạng cán bộ không dám nghĩ, dám làm, né trách nhiệm có từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới có. Tuy nhiên, sự việc có vẻ phức tạp hơn trong thời gian gần đây.

Từ thực tế, tôi thấy có hai bộ phận cán bộ không dám nghĩ, không dám làm, né trách nhiệm làm cho công việc ngày càng trì trệ hơn.

Thứ nhất đó là một bộ phận cán bộ có năng lực yếu, không đáp ứng được nhiệm vụ, cho nên họ sợ không dám làm. Những cán bộ này thuộc dạng an phận thủ thường, chỉ muốn ngồi đúng một chỗ.

Trường hợp thứ hai, đó là những cán bộ có tinh thần, trách nhiệm không cao. Những trường hợp này có năng lực, có khả năng làm việc nhưng họ sợ sai. Do vậy, nhiều người trong nhóm này thường hay vin vào câu làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai. Để cho an toàn, những cán bộ này làm ít hoặc không làm.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám.

- Như vậy, có thể thấy cả 2 nhóm cán bộ trên không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ được giao. Theo ông, cần giải pháp gì với những cán bộ không làm việc, tạo cơ hội người có năng lực và nhiệt huyết cống hiến?

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị vẫn đánh giá năng lực cán bộ, công chức. Như năm 2021, qua đánh giá, thống kê được 1,71% cán bộ, công chức, người lao động không hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, con số 1,71% đó có đồng nhất với số có năng lực yếu hay không? Đây là vấn đề chưa rõ, nên cần phải khảo sát cho rõ số cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp về", từ đó có biện pháp xử lý.

Với nhóm cán bộ trên, có 2 cách xử lý. Thứ nhất, đó là tinh giản biên chế, tức là cho họ nghỉ việc theo quy định. Thứ hai, là cho đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ.

Với nhóm cán bộ có năng lực, nhưng sợ sai không dám làm, cũng cần phải có cơ chế xử lý nghiêm. Bởi đây không phải là vì năng lực, mà nó thuộc về trách nhiệm.

Tôi thấy, lâu nay chúng ta mới xử lý cán bộ có sai phạm chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc xử lý những người không chịu làm, né tránh trách nhiệm.

Do vậy, theo tôi, chúng ta cần phải xây dựng cơ chế để coi những cán bộ, công chức không chịu làm là một trong những sai phạm và có cơ chế xử lý, từ đó mới khắc phục được vấn đề đùn đẩy, né trách nhiệm.

- Có ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật hiện còn chồng chéo, chưa rõ nên nhiều người không dám làm vì sợ sai. Theo ông, làm cách nào để khắc phục tình trạng này?

Thực tế, cơ chế, chính sách của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện, còn những bất cập như văn bản chồng chéo khó thực hiện, thậm chí cũng có tình trạng cấp dưới hỏi, cấp trên không trả lời kịp thời. Thế nhưng cũng phải nhìn nhận vấn đề như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phân tích, đó là cùng một cơ chế pháp lý nhưng có địa phương làm rất tốt.

Như vậy, có thể nói những vướng mắc của cơ chế, chính sách chỉ là một phần dẫn đến tình trạng cán bộ đùn đẩy, né trách nhiệm. Theo tôi, còn cả yếu tố con người trong đó. Bởi nếu cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh, nhưng cán bộ toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung thì họ vẫn có cách làm. Ngược lại, dù cơ chế chính sách rất hoàn chỉnh, kín kẽ, nếu cán bộ không muốn làm thì vẫn né tránh hoặc tìm ra kẽ hở để luồn lách.

- Hiện Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, nhưng cũng đã có ý kiến đề xuất nội dung này nên trình ra Quốc hội thay vì Chính phủ ban hành, ông nghĩ sao?

Việc cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là rất cần thiết. Theo tôi, trước mắt nên để Chính phủ ban hành nghị định này, bởi những văn bản dưới luật như nghị định thì Chính phủ ban hành bao giờ cũng nhanh và kịp thời hơn. Sau thời gian triển khai, sẽ có tổng kết, đánh giá, lúc đó sẽ xem xét có cần nâng chính sách đó thành nghị quyết hoặc luật do Quốc hội ban hành hay không.

Xin cảm ơn ông!