Trao đổi với phóng viên VietNamNet bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội) đã phân tích nguyên nhân quý I/2023 TP.HCM gần như ‘không hành động’, kinh tế chỉ tăng 0,7%, trong khi cả nước tăng 3,32%.
Mảnh đất năng động không còn muốn ‘vượt rào’
- Chính phủ đã trình và tới đây Quốc hội sẽ xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để thay thế Nghị quyết 54. Nhìn lại Nghị quyết 54 được triển khai từ năm 2018 đến nay và những gì đang diễn ra tại TP.HCM, ông thấy sao về sự cần thiết trong việc ban hành nghị quyết mới?
TP.HCM là mảnh đất năng động, dám nghĩ, dám làm nên rất cần cơ chế cho phép làm những việc vượt khuôn khổ. Với Nghị quyết 54, đến nay có thể thấy TP.HCM chưa thực hiện được bao nhiêu. Nhưng điều này cũng có yếu tố khách quan như phải có thời gian chuẩn bị, rồi sau đó lại xuất hiện đại dịch.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong quý I/2023, mức tăng trưởng của TP.HCM sụt giảm kinh khủng. Với một trung tâm dịch vụ như TP.HCM mà sụt giảm như vậy, quả thật đó là vấn đề. Vấn đề đấy gắn liền với sự việc TP.HCM hỏi Bộ KH&ĐT bằng 584 văn bản và Bộ KH&ĐT phải trả lời hơn 604 văn bản. Điều đó chứng tỏ TP.HCM không dám tự quyết, không dám tự làm, không dám vượt rào. TP.HCM đang là một thành phố năng động, sáng tạo, bây giờ lại chuyển sang trạng thái cái gì cũng hỏi.
Đấy là vấn đề của TP.HCM, làm cho thành phố này mất động lực phát triển. Chính vì vậy, cần thiết phải có một nghị quyết để ‘đầu tàu’ tháo gỡ rào cản. Nghị quyết này cũng để họ không thể nói rằng: Tôi không làm vì vướng thể chế, vướng luật pháp.
- Ông có kỳ vọng gì vào những đề xuất được đưa ra lần này?
Dự thảo Nghị quyết vừa được Chính phủ trình Quốc hội chưa có gì đột phá, riêng biệt. Đó vẫn là những nội dung trong Nghị quyết 54 và một số cơ chế đã cho phép địa phương khác thực hiện theo cơ chế đặc thù.
Có chăng, chỉ một chính sách khác biệt là cho phép thực hiện các dự án theo phương thức BT (hợp đồng xây dựng chuyển giao). Thực ra phương thức này cũng không mới, đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng có những cái chưa chuẩn nên bị dừng.
TP.HCM là nơi luôn nghĩ ra cái mới, thế nên phải trao cho họ thẩm quyền cao hơn để làm những việc chưa có trong quy định. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, TP.HCM có thể đề xuất cách làm ‘vượt rào’ nhưng phải báo cáo Quốc hội, Chính phủ và công khai cho nhân dân biết.
- Ông có thể đưa ra một vài ví dụ trong việc trao cho TP.HCM cơ chế mang tính đặc thù?
Chẳng hạn như vấn đề tiền lương, chúng ta đều biết quỹ cải cách tiền lương còn rất lớn. Thế nhưng hiện nay lại đang trả lương cho cán bộ, công chức không vượt quá 1,8 lần. Với cơ chế lương như thế, liệu đã đủ để chúng ta tìm được người làm việc tích cực hay chưa?
Tôi nghĩ nên trao cho TP.HCM toàn quyền quyết định về vấn đề lương, thưởng cho cán bộ, công chức. Nghĩa là TP.HCM có thể trả lương cao như doanh nghiệp tư nhân nhưng phải tạo ra nguồn tiền. Không còn phải lo "cơm, áo, gạo, tiền", cán bộ, công chức mới an tâm làm việc, không còn nhũng nhiễu, tiêu cực. Như vậy, TP.HCM phải cấu trúc lại bộ máy, tinh giản con người, thay đổi cách làm… để nâng cao hiệu quả công việc.
Trao cơ chế để TP.HCM được quyền hành động
- Từ việc trong quý I vừa qua kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương và việc thành phố này phát đi hơn 500 văn bản hỏi Bộ KH&ĐT, theo ông nguyên nhân gốc rễ ở đây là gì?
Gốc rễ ở đây là vấn đề luật pháp còn chồng chéo, không thống nhất, chưa rõ ràng. Khi luật pháp còn nhiều vấn đề như vậy sẽ làm cho cán bộ, công chức TP.HCM không dám tự quyết, không dám mạo hiểm. Có thể họ làm không vì tư túi, không vì động cơ cá nhân nhưng vẫn bị xử lý khi hậu quả xảy ra. Vậy nên không dại gì người ta ‘vượt rào’.
Như vậy phải trao cơ chế để họ được quyền hành động. Có thể luật pháp quy định như thế, nhưng thấy quy định như vậy chưa phù hợp, không thích ứng được với hoàn cảnh này thì tôi được làm khác đi. Tất nhiên, khi đó anh phải báo cáo lên Trung ương, công khai cho toàn dân giám sát.
- Người ta vẫn hay nói đến 'bệnh' sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, theo ông, làm thế nào hóa giải để họ vượt qua rào cản đó để dám nghĩ, dám làm?
Đã sáng tạo thì phải vượt qua cái truyền thống, những cái đã quy định. Tất nhiên, việc đổi mới, sáng tạo trong cơ quan Nhà nước không nhiều rủi ro như startup (khởi nghiệp - PV), nhưng vẫn có những thất bại, điều quan trọng là tôi đã lường trước, công khai tất cả. Do vậy, chúng ta phải có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.
- Có ý kiến cho rằng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung (đang được Bộ Nội vụ xây dựng) nên được trình ra Quốc hội thay vì Chính phủ ban hành, ông thấy sao về điều này?
Đúng như vậy! Một nghị định của Chính phủ không đủ khả năng giải quyết vấn đề này, vì cái vướng hiện nay là vướng về luật pháp, chứ không vướng cách hành động. Chính phủ chỉ có quyền trong cách làm thôi, còn vướng về luật pháp thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!