Lợi nhuận đồng loạt tăng
Có vẻ một giai đoạn mới của ngân hàng đã đến khi các nhà băng dồn dập báo lãi ngàn tỷ. Nhóm thấp hơn cũng tự tin cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh.
Đứng đầu danh sách lợi nhuận, Vietcombank ghi kỷ lục mới toàn hệ thống với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2019 đạt hơn 11.000 tỷ, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2018, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận gần 18,4 ngàn tỷ, tăng 62% so với 2017. Và nếu giữ được tốc độ tăng trưởng trên 60% như năm ngoái, Vietcombank sẽ đạt lợi nhuận tỷ USD ngay trong năm 2019.
Biến động đáng kể nhất là vị trí số 2, không phải cái tên quen thuộc của các ông lớn quốc doanh mà là Techcombank với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 5,7 nghìn tỷ, doanh thu đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32% và 19% tương ứng so với cùng kỳ năm trước.
Hai ông lớn Vietinbank và BIDV dù đang sụt giảm nhưng vẫn duy trì được mức cao, đứng trong top 5. BIDV ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 đạt 4.772 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Thậm chí, trong quý 2, lợi nhuận trước thuế của BIDV chỉ đạt 2.251 tỷ, giảm 9% với nguyên nhân chủ yếu là do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 38% lên 5.524 tỷ đồng.
Vietinbank chưa cho thấy sự hồi phục khi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 2.182 tỷ, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Tính chung, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.335 tỷ. Đáng chú ý, quý 2, chi phí dự phòng của VietinBank tăng vọt 63% lên 4.236 tỷ đồng, "ăn mòn" đến 66% lợi nhuận của nhà băng này.
Các ngân hàng đồng loạt báo lãi tăng mạnh cho dù tín dụng bị kiểm soát. |
Nhân tố mới nhưng không bất ngờ vượt cả BIDV là MBbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 4.875 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý 2/2019 đạt 2.451 tỷ, tăng 28%. Điểm lưu ý là chi phí dự phòng của ngân hàng cũng tăng vọt 43,7% lên 2.364 tỷ.
VPBank vẫn vững vàng dù vị trí xếp hạng có bị đẩy khỏi top 5, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.343 tỷ, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ. Riêng quý 2, con số này là 2.560 tỷ, tăng 46% so với cùng kỳ.
Đứng ngay sau top 5 là tên đang hồi sinh ACB với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 3.622 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Nhóm tiếp theo vẫn là các con số ngàn tỷ với nhiều cái tên quen thuộc duy trì được sự ổn định.
SHB lợi nhuận đạt 1.560 tỷ đồng. Tổng tài sản có của ngân hàng đạt 341.914 tỷ đồng, tăng thêm 18.638 tỷ trong vòng 6 tháng.
Đặc biệt, LienVietPostBank ghi nhận kỷ lục tăng trưởng lợi nhuận lên đến 81% so với cùng kỳ đưa lãi trước thuế đạt 1.117 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
HDBank báo lãi 2.211 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Không chỉ đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay của nửa năm hoạt động mà tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ cũng chỉ còn 1%.
TPBank vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng cao liên tục. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kỳ.
Trong nhóm ngàn tỷ phải kể đến cái tên VIB dù khá âm thầm nhưng có mức lãi lên tới 1.800 tỷ, tăng 58%. Còn Sacombank dù đang vật vã với khối nợ xấu từ thời Trầm Bê cũng có lợi nhuận trước thuế gần 1.500 tỷ đồng, thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm.
Không thuộc nhóm ngàn tỷ nhưng trong 6 tháng đầu 2019 đã ghi nhận nhiều ngân hàng có sự hồi phục mạnh mẽ về chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngân hàng Hàng Hải (MSB) có tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 567 tỷ sau 6 tháng đầu năm 2019, tăng hơn 192% so với cùng kỳ; riêng quý 2 đóng góp gần 494 tỷ đồng, tăng hơn 1.369% so với cùng kỳ.
SeABank với lãi đột biến từ dịch vụ đã đưa lợi nhuận trước thuế đạt 439 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 69% so với cùng kỳ. Mức lãi này có được, ngoài việc nhờ các mảng kinh doanh tăng trưởng tốt, còn do chi phí dự phòng rủi ro giảm. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm còn 2,07% cuối tháng 6/2019.
ABBank cũng tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trước thuế khá cao, 6 tháng đạt 517 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,44% trên tổng dư nợ cho vay khách hàng. Trong năm nay, ngân hàng lên kế hoạch lãi trước thuế 1.220 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
NamABank đang trong giai đoạn tái cơ cấu, vướng lùm xùm gia đình bà Tư Hường những vẫn có lợi nhuận trước thuế 442 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ
Tỷ phú Hồ Hùng Anh thành công với Techcombank trong năm 2018. Tuy nhiên cổ phiếu TCB giảm khá mạnh trong nửa đầu 2019. |
Khối “Nhà nước” và nhóm “Đông Âu”
Năm 2018, hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ ở mức 14%, thấp hơn con số 17% theo kế hoạch và theo đúng chính sách duy trì sự ổn định tài chính của NHNN. 2019, NHNN cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%.
Tuy nhiên, điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong nửa đầu 2019 là lợi nhuận đến từ nhóm dịch vụ tiếp tục tăng vọt, bù đắp đáng kể cho sự chậm lại của thu nhập từ lãi thuần trong bối cảnh NHNN đang siết chặt tăng trưởng tín dụng.
Trong 6 tháng đầu năm, VIB ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh tới hơn 140% so với cùng kỳ năm trước lên trên 760 tỷ đồng. Ngân hàng Á Châu trong khi đó ghi nhận thu nhập từ phí tăng nhanh, đặc biệt là từ phí bancassurance với hãng bảo hiểm AIA.
Bên cạnh đó lợi nhuận hệ thống ngân hàng tăng mạnh còn nhờ nợ xấu suy giảm.
Sau nhiều năm đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua trích lập dự phòng và bán trên thị trường, tình hình nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện nhiều. VIB của đại gia Đặng Khắc Vỹ ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 2,29% xuống còn 1,8% vào giữa 2019. MBBank kiểm soát nợ xấu khá tốt, ở mức 1,1%.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong trong nửa đầu 2019 trích thêm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 224 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xử lý xong trong năm nay toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC.
ACB dự tính trong năm 2019 sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro dự kiến sẽ đóng góp khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường vào mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng mà ĐHCĐ của ngân hàng đã đề ra.
Hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 trong hệ thống ngân hàng cũng chứng kiến sự bứt phá của nhóm ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh, trong đó có Vietcombank là ngọn cờ cao nhất trong khi đó, nhóm của các ông chủ gốc Đông Âu tiếp tục tăng tốc mạnh.
Gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu nổi sóng. Riêng cổ phiếu Vietcombank đạt mức giá cao nhất trong lịch sử, 74.500 đồng/cp (giá đã điều chỉnh), tăng khoảng 42% kể từ đầu năm.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV lọt rổ VN30, giúp nhóm ngân hàng có tới 9 đại diện trong rổ này chiếm tỷ trọng gấp đôi nhóm VinGroup. Các gương mặt nổi bật khác gồm Vietcombank, Vietinbank, Techcombank, Sacombank, Eximbank, MBBank, HDBank, VPBank.
Cổ phiếu EIB của Eximbank là một hiện tượng lạ khi một cơn sóng ngầm dữ dội đang diễn ra. Cổ phiếu ngân hàng này tăng mạnh lên đỉnh lịch sử bất chấp mâu thuân giữa các nhóm cổ đông lên cao, hàng loạt vị trí chủ chốt thay đổi, riêng vị trí chủ tịch thay 3-4 lần trong vòng 3 tháng.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh giảm khoảng 26%. LienVietPostBank (LBP) giảm hơn 15%. Một số mã cổ phiếu của các ngân hàng khác trung bình khoảng giảm 5-10%. Cổ phiếu VPBank của đại gia Ngô Chí Dũng giảm khoảng 33% trong vòng 1 năm qua từ trên 29.000 đồng xuống 19.600 đồng/cp như hiện tại.
Về tổng thể, hoạt động của phần lớn ngân hàng đều tích cực và nhiều nhà băng đang lọt tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài như Vietcombank, BIDV, MBBank,... Tin từ Reuters cho thấy, MBBank dự tính bán 7,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Năm ngoái, Techcombank (TCB) của tỷ phú kín Hồ Hùng Anh, VPBank của ông Ngô Chí Dũng và HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là 3 ngân hàng tư nhân có những cú bứt phá ngoạn mục cùng dòng vốn ngoại đổ vào ấn tượng. Techcombank thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận 2018 vượt gần như tất cả các ngân hàng khác, bao gồm cả 2 ông lớn nguồn gốc quốc doanh Vietinbank (CTG) và BIDV (BID).
Về triển vọng 2019, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao nhưng có thể không cao bằng năm 2018, ước tính cả năm mới khoảng 20%. Câu chuyện nợ xấu và hạn chế tăng trưởng tín dụng sẽ tạo ra sự phân hóa rõ rệt. Ngoài ra, sự phân hóa còn ở chỗ một số ngân hàng tập trung vào dịch vụ, thế mạnh của mình hơn là câu chuyện cho vay truyền thống.
M. Hà