Tờ báo Mỹ viết, 3 tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra khá tự tin rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ sớm dịu bớt. Thậm chí khi đó, ông còn tuyên bố Trung Quốc sẽ bảo vệ tài sản trí tuệ, khuyến khích đầu tư nước ngoài, và nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ ngoại, tất cả những sự thay đổi mà Mỹ yêu cầu khi hai nước cố gắng đạt được thỏa thuận.

{keywords}
Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc Hội Trung Quốc.

Nhưng chỉ một tuần sau bài phát biểu này, đội ngũ đàm phán Trung Quốc đã gửi cho Mỹ một bản dự thảo thỏa thuận với khá nhiều thay đổi, khiến Tổng thống Donald Trump lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh “nuốt lời” với những điều khoản đồng ý trước đó. Việc này đã đập tan những hi vọng cho một bước đột phá lịch sử.

Các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng, khi đưa ra những thay đổi này, nhiều khả năng Trung Quốc đã đánh giá sai mức độ mong muốn đạt được thỏa thuận của ông Trump. Đây có vẻ như là một tính toán sai lầm, bởi phía Mỹ lập tức quay đầu, khiến đàm phán đổ vỡ và đã không có thỏa thuận nào được đưa ra.

Giờ đây, ông Tập Cận Bình đối mặt với rủi ro không thể tìm được điểm chung giữa vị trí chính trị của ông và của ông Trump, báo New York Times bình luận.

Những chuyên gia chính trị trong cuộc đã tỏ ra khá bàng hoàng trước những động thái quay ngoắt vào phút chót trong đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

“Bất cứ thỏa hiệp nào giờ cũng sẽ là một quyết định lớn về mặt chính trị”, Tao Jingzhou, một luật sư kinh tế ở Bắc Kinh cho biết. “Ý tưởng về một cuộc chiến tranh thương mại đã làm trỗi dậy tinh thần bảo vệ dân tộc, nên giờ đây việc đàm phán càng trở nên khó khăn hơn”. 

{keywords}
Ông Tập Cận Bình gặp mặt Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái.

Các quan chức Trung Quốc không phải là những người duy nhất nghĩ một thỏa thuận với Mỹ đã đến rất gần. Chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu vào tháng trước cũng cho rằng đàm phán đang “đến những bước cuối cùng”.

Tuy nhiên theo New York Times, đến ngày 1/5, Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ yêu cầu một loạt thay đổi đáng kể trong bản thỏa thuận đã ở giai đoạn thai nghén mà trưởng đoàn đàm phán Lưu Hạc phải làm việc với đội ngũ của ông Trump suốt hàng tháng trời để soạn thảo.

Nhiều nguồn tin cho rằng, các thay đổi này đã được thảo luận với những quan chức vốn lo ngại các điều khoản trong dự thảo thỏa thuận được đề xuất sẽ khiến cho dư luận nghĩ Trung Quốc đang nhượng bộ trước áp lực từ Mỹ.

Không lâu sau, đội đàm phán Trung Quốc đã gửi cho các đối tác Mỹ một bản sửa đổi dự thảo thỏa thuận, với nhiều thay đổi và đoạn cắt bỏ. Tài liệu mới được miêu tả là bao gồm một “biển” các sửa chữa được đưa ra, một nguồn tin thân cận cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ lí do chính xác tại sao Trung Quốc lại chờ đến phút chót mới trình bày một quan điểm đàm phán mới với chính phủ của ông Trump. 

{keywords}
Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Muchin.

Theo nhận định của một số chuyên gia, có khả năng đến phút cuối cùng, ông Tập nhận thấy việc thay đổi luật kinh tế trong nước như phía Mỹ yêu cầu sẽ là một hành động xúc phạm danh dự quốc gia. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, có thể lỗi nằm ở bản dịch thỏa thuận.

“Nguy hiểm nằm ở những chi tiết nhỏ nhặt, đặc biệt là với các luật gia”, một luật sư người Bắc Kinh cho biết. “Khi bạn dịch một thỏa thuận ra thành một tài liệu chính thức, có thể có rất nhiều cách để phiên dịch và cách diễn giải câu từ”.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng có thể đã đánh giá sai bối cảnh chính trị ở Mỹ, khi cho rằng ông Trump cần đạt được một thỏa thuận sớm nhất có thể để củng cố mức độ tín nhiệm của mình. Bởi vậy, họ nghĩ có thể lợi dụng thời điểm này để gây sức ép nhằm có được lợi thế.

“Lời giải thích hợp lý nhất cho việc này là sự phối hợp chính sách chưa chặt chẽ, chứ không phải là một nỗ lực cố ý lừa gạt Mỹ”, một chuyên gia về chính sách kinh tế Trung Quốc nói. “Ý nghĩ rằng ông Trump muốn có được thỏa thuận để kích thích thị trường chứng khoán có thể đã khiến họ tưởng có thể gây sức ép ngược lại”.

Việc này đã dẫn đến việc truyền thông Trung Quốc sử dụng những từ ngữ cứng rắn và chỉ trích nặng nề với Mỹ, gọi chính phủ của ông Trump là “kẻ bắt nạt”, thổi bùng lên thái độ giận dữ trong dư luận trong nước.

Và giờ đây, bất kì thỏa hiệp nào nhằm đi đến thỏa thuận cũng phải đối mặt với việc bị xem xét một cách khắt khe. Khả năng đạt được một hiệp định thương mại giữa hai nước càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Anh Thư